VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Trẻ hóa 800 giống lúa mùa tại Kiên Giang
(15:47 | 15/12/2023)

Ngày 8-12, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo đánh giá mô hình “Trẻ hóa và tồn trữ hạt lúa tại Svalbard Global Seed Vault” tại huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và nông dân hai tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận.

“Trẻ hóa và tồn trữ hạt lúa tại Svalbard Global Seed Vault” là đề tài khoa học do Tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm - Trưởng Bộ môn Phát triển nông nghiệp Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 1-2023 đến tháng 9-2024, tại trang trại lúa mùa của kỹ sư Lê Quốc Việt - nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành.

 

Ảnh: Kỹ sư Lê Quốc Việt (bên phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh về ruộng lúa mùa được triển khai trồng trẻ hóa hơn 800 giống lúa mùa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

 

Mục tiêu của đề tài nhằm trẻ hóa, đặc tính hóa và tồn trữ 1.000 mẫu giống lúa, trong đó có 500 giống lúa cao sản, 500 giống lúa mùa tại Ngân hàng gen của Na Uy; tăng cường nguồn giống cho ngân hàng gen tại Trường Đại học Cần Thơ; nâng cao năng lực cho cán bộ và sinh viên tham gia đề tài.

 

Ảnh: Đại biểu tham quan ruộng lúa mùa được triển khai trồng trẻ hóa hơn 800 giống lúa mùa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Tâm cho biết, Ban chủ nhiệm đề tài “Trẻ hóa và tồn trữ hạt lúa tại Svalbard Global Seed Vault” đã triển khai trồng trẻ hóa, mô tả đặc tính giống của 800 giống lúa mùa như Tài Nguyên, Tàu Binh, Châu Hồng Võ... Nhìn chung, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 60% giống lúa đã trổ bông. Trước khi cấy mạ, đất ruộng không cần cày ải, không đốt rơm rạ nhằm giữ gìn vi sinh vật trong đất. Quá trình canh tác không bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật. Khó khăn hiện nay là ruộng lúa bị chuột cắn phá nhiều.

 

Ảnh: Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long giải đáp thắc mắc của đại biểu đặt ra tại hội thảo.

 

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, mô hình lúa mùa cần kết hợp với các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác như lúa - cá, lúa - ốc - vịt, lúa - cây dược liệu… hoặc khai thác ruộng lúa mùa làm du lịch sinh thái. Đồng thời, cần chú trọng khâu truyên thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu và phát triển thành sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang