Vui buồn chuyện bảo tồn gen lúa mùa của nông dân Tư Việt
(15:13 | 04/01/2024)

Gần 7 năm giành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn nguồn gen, phục tráng thành công hơn 40 giống lúa mùa với hình thức canh tác thuận tự nhiên, nông dân Lê Quốc Việt (Tư Việt) nếm trải không ít vui buồn lẫn lộn.

GIAN NAN BẢO TỒN LÚA MÙA

Chuyện bảo tồn nguồn gen các giống lúa mùa được ông Việt thực hiện từ năm 2017. Trong suốt quá trình đầy cam go ấy, ông Tư Việt gặp thuận lợi khi sự quyết tâm của mình nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là những lão nông tri điền nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Ông Việt cho biết: “Bảo tồn văn hóa lúa mùa là một nội dung lớn, tôi làm bằng sự tâm huyết là chính, nhịn ăn nhịn uống để dành tiền làm thôi chứ nguồn lực rất yếu. Khó khăn thứ hai nữa là sự đồng thuận ban đầu trong gia đình không cao, nhưng do mình quyết chí, đam mê nên cũng chiều theo mình”.

Theo ông Việt, từ năm 1990 trở đi, các giống lúa mùa gần như mất dần. Do đó ông phải đến các các viện, trường đại học - nơi còn lưu trữ nguồn gen từ mấy chục năm trước để xin các giống lúa mùa cổ truyền như Ba Bụi, Chim Rơi, Trắng Tép Vàng… cả thảy được 5 giống, mỗi giống được chừng 200 hạt. Về gieo thì các giống Chim Rơi, Ba Bụi còn, nhưng các giống khác chuột ăn hết. Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi xung quanh ruộng ông hầu hết người dân chỉ làm lúa ngắn ngày, thửa ruộng canh tác giống dài ngày của ông mặc nhiên trở thành nơi hấp dẫn bao chim, chuột đua nhau về cắn phá. Năm 2018, ông gieo 1,5ha nhưng chỉ thu được vài trăm ký lúa đủ làm giống. Năm 2019, ông gieo giống Ba Bụi, Trắng Tép Vàng rồi đưa cho một vài hộ cùng trồng để mình thu mua lại nhưng gạo làm ra mà không bán được.

 

Ảnh: Ông Lê Quốc Việt (bên phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh về ruộng lúa mùa được triển khai trồng trẻ hóa hơn 800 giống lúa mùa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ông Việt nói: “Giai đoạn đầu tôi lỗ mấy trăm triệu đồng vì làm ra mấy chục tấn lúa mùa mà bán không được do không hợp khẩu vị người dùng. Sau “cú té” đó, từ năm 2020 đến nay, tôi bắt đầu chuyển qua trồng các giống lúa mùa chất lượng cao phù hợp thị hiếu người dùng hơn”.

Hiện ông Việt đang phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) triển khai dự án trồng trẻ hóa 800 giống lúa mùa. Diện tích canh tác của trang trại ông Việt áp dụng quy trình sản xuất truyền thống theo cách làm của ông bà xưa, tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, không đưa máy móc vào khâu làm đất để giữ vi sinh vật có lợi trong đất. Với sự chăm sóc của ông Việt, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hầu hết đã trổ bông chờ chín sẽ thu hoạch. Theo ông Việt, việc trẻ hóa các giống lúa mùa ngoài việc tuân thủ quy trình, tỉ mẩn để không bị lẫn lộn giữa các giống, còn gặp một khó khăn như chim, chuột phá hoại nhiều mặc dù đã dùng lưới bao bọc lại cả thửa ruộng.

TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN 

Trong lần chia sẻ về kinh nghiệm trồng lúa mùa của mình với các nông dân đến từ tỉnh Bình Thuận gần đây, ông Việt cho rằng, do lúa mùa 1 năm chỉ 1 vụ, nếu chỉ độc canh thì hiệu quả không cao. Do đó, nên thực hiện mô hình kết hợp lúa - cá, hay lúa - ốc hay lúa - vịt… Để cây lúa sinh trưởng tự nhiên trong điều kiện không dùng phân bón, hóa chất, cách làm của ông là vớt bèo hoa dâu về nhân giống rồi thả xuống ruộng cho tự sinh sôi nảy nở ken đặc trên mặt nước. Khi già, bèo hoa dâu sẽ tự chết đi, chìm xuống, phân hủy thành phân hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Ngoài ra, bèo còn là nguồn thức ăn lý tưởng để nuôi ốc bươu đen.

 

Ảnh: Ông Lê Quốc Việt thu hoạch lúa mùa bằng phương pháp thủ công.

 

Sau gần 7 năm kiên trì thực hiện mong ước giữ gìn văn hóa lúa mùa, đến nay ông Việt đã phục dựng thành công quy trình làm lúa mùa, trong đó có 2 sản phẩm gạo lúa mùa Móng Chim vàng và Móng Chim rơi được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài diện tích 2,5ha lúa mùa của gia đình, ông Việt còn liên kết với các nông dân khác để làm lúa mùa từ 20-30ha/vụ ở vùng cửa sông Cái Lớn - Cái Bé và khu vực nuôi tôm tại cồn Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) tùy theo đơn đặt hàng.

Trong số các giống lúa mùa được phục tráng của ông Việt có giống Châu Hồng Vỏ đã được ông đem phân tích. Kết quả cho thấy thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất folate (chất hỗ trợ chống ung thư) và nhiều loại vitamin khác. Ông Việt nói: “Xu hướng trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay có nhiều người ăn kiêng. Do đó, vấn đề nghiên cứu về chỉ số đường huyết GI đối với một số giống lúa phục vụ người ăn kiêng là cần thiết. Kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ dành kinh phí hỗ trợ chọn ra 5-6 giống từ bộ giống lúa mùa đang được trẻ hóa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long để tôi và các nông dân trong Hợp tác xã Nông dân Sáng tạo tiếp tục nghiên cứu tìm ra giống có chỉ số GI thấp, đón đầu xu thế phát triển thị trường lúa gạo của Việt Nam”.

Đông Hưng-Báo Kiên Giang