100 nông dân được tư vấn kỹ thuật nuôi tôm đầu vụ
(21:38 | 08/04/2024)

Sáng 2-4, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện Kiên Lương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn giống thủy sản Dương Hùng tổ chức tọa đàm nuôi tôm đầu vụ năm 2024 với sự tham dự của 100 nông dân nuôi tôm tại huyện Kiên Lương.

Theo các hộ nuôi tôm tại huyện Kiên Lương, từ đầu năm 2024 đến nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi nắng hạn kéo dài làm thiếu nguồn nước mặn nuôi tôm, một số nơi tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng, tôm giống không đạt chất lượng… Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu liên tục giữ ở mức thấp khiến nông dân chưa mạnh dạn thả nuôi.

Tại buổi tọa đàm, các câu hỏi tập trung về cách phòng, chống các bệnh ở tôm, quy trình xử lý môi trường nước, xử lý ao trước khi thả tôm nuôi. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm quan tâm về độ mặn trong ao nuôi tôm, về sử dụng chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn cho tôm nuôi, phương pháp xử lý hóa chất còn tồn lưu trong đất… Các câu hỏi đều được các diễn giả giải đáp cặn kẽ, chi tiết, cụ thể cho từng trường hợp.

 

Ảnh: Kỹ sư Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo người dân thả nuôi tôm theo lịch thời vụ của huyện ban hành nhằm tránh tình trạng thiệt hại trong nuôi tôm.

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: “Ngoài thả tôm theo lịch thời vụ của tỉnh, huyện ban hành, các hộ nuôi tôm cần vệ sinh đồng ruộng trước khi thả tôm giống. Tôm giống phải mua ở các cơ sở có uy tín. Vuông nuôi phải đảm bảo không mọi, giữ nước trên mặt trảng cao 0,5m. Để đảm bảo môi trường sạch phục vụ tốt cho việc nuôi tôm, cần phải sử dụng vi sinh và khoáng định kỳ. pH trong ao nuôi đạt từ 7.5-8.5. Hộ nuôi phải thăm đồng thường xuyên để kịp thời xử lý tình huống đảm bảo cho tôm phát triển”.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Hợp tác xã lúa - tôm An Phú Xanh, xã Bình Trị (Kiên Lương) đề nghị Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện để hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp thí điểm nuôi tôm theo quy trình an toàn.

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Hiển cũng lưu ý, khi có dịch bệnh phát sinh, các hộ dân nuôi tôm phải khai báo theo quy định. Trường hợp hộ nuôi tự xử lý dịch bệnh thì phải tổng hợp, báo cáo kết quả ngay sau khi kết thúc ổ dịch cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện. Hộ nuôi nào để dịch bệnh bùng phát, lây lan do chủ quan, giấu dịch sẽ phải chịu trách nhiệm.

Năm 2024, kế hoạch nuôi tôm của toàn vùng tứ giác Long Xuyên gồm Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP. Hà Tiên là 18.310ha, tuy chỉ chiếm 13,4% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh nhưng chỉ tiêu sản lượng được giao 56.500 tấn, chiếm 43,4% do có 4.450 ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp; trong đó, Kiên Lương là huyện có quy mô nuôi tôm công nghiệp lớn của  tỉnh với 3.000ha, kế đến là Hà Tiên 700ha, Hòn Đất 450ha và Giang Thành 400 ha.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang