Sầu riêng và sự phát triển “Thần sầu”
(00:33 | 11/06/2024)

Theo số liệu ghi nhận của bộ công thương: năm 2023, sầu riêng được đánh giá là loại trái cây có tốc độ tăng trưởng suất khẩu ngoạn mục, bởi lẽ nếu năm 2021 chỉ mang về cho Việt Nam khoảng 178 triệu đô la Mỹ, thì 2022 là 421 triệu đô la Mỹ và tổng kết năm 2023 tăng vọt lên 2,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng gần 39% giá trị nhóm rau quả xuất ngoại.

Mốc dấu quan trọng giúp sầu riêng có sự tăng trưởng “Thần sầu” như vậy là nhờ đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau hơn bốn năm đàm phán. Cũng khá lạ 4 năm là khoảng thời gian đầu tư từ cây giống để thu hoạch được trái của vụ đầu tiên. Đến nay sầu riêng Việt Nam đã suất đi 8 nước, nhưng thị trường Trung Quốc chiếm 96% tổng sản lượng dưới dạng tươi nguyên trái (4% sản lượng còn lại là hàng đóng gói xuất thị trường Châu Âu). Các thành phố Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam đã nhanh chóng đẩy mạnh logistic để đảm bảo vận chuyển và cung sầu riêng đến bất kỳ nơi nào của nước này trong vòng 3 ngày. Theo bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, năm 2023 công ty đã xuất khẩu gần 30.000 tấn sầu riêng trái sang Trung Quốc và lên kế hoạch 40.000 tấn cho năm 2024. Yêu cầu đặt ra là phải áp dụng kỹ thuật hiện đại vào quy trình trồng trọt của nông dân. Công ty chỉ mua sầu riêng được thu hoạch từ các vùng trồng được cấp mã số, quả được chiếu xạ, hun nhiệt nước nóng để sát khuẩn, khử trùng và kiểm định trước khi vào bao bì theo đúng quy cách.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn sầu riêng của thành viên Hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng.

 

Liên hệ với Kiên Giang: diện tích trồng sầu riêng còn khá khiêm tốn khoảng 200 ha tại 4 huyện, thành phố như: Phú Quốc, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp. Trừ thành phố Phú Quốc khoảng 40 ha chỉ đủ cung cấp nội thị và khách du lịch. Thì 3 huyện còn lại mới đăng ký được 2 mã vùng trồng trên tổng số 56 mã vùng trồng của cả nước. Tuy nhiên, sầu riêng Kiên Giang cũng chỉ tập trung bán cho thương lái các tỉnh với giá bán xô, không lựa phân size tại vườn vào khoảng 60-65 ngàn đồng/kg, chứ chưa bán được trực tiếp cho công ty suất khẩu. Cũng trong tháng 6/2024 này sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Fumani được nhập khẩu từ Thái Lan, hình dạng trái tròn, trọng lượng chỉ xấp xỉ 1kg đi vào các siêu thị Mega, Co.opmart… với giá bán lẻ tương đương giá sầu riêng Việt Nam 125 ngàn đồng/ký.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (thứ 2, bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao đổi với cán bộ Hội Nông dân huyện, xã và thành viên Hợp tác xã nông dân làm vườn sầu riêng ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng.

 

Điều này đặt ra cho người nông dân trồng sầu riêng Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung phải tiếp tục nâng cao, đảm bảo chất lượng đối với quy trình kỹ thuật chuyên canh hữu cơ tiên tiến hơn. Mong rằng hướng tới khi Việt Nam ký được nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thì sản lượng và giá trị sẽ tiếp tục tăng. Đây cũng là mong mỏi của người nông dân khi trồng sầu riêng.

Được biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhà vừa đưa sầu riêng vào danh mục theo dõi quản lý để có thể hỗ trợ, khuyến cáo nông dân khi phát triển giống cây này cho phù hợp thổ nhưỡng vùng trồng và thị trường tiêu thụ. Hy vọng với sự quản lý tốt của cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta sẽ phòng ngừa và khắc phục tình trạng hy vọng gây trồng rồi đau đớn chặt bỏ như đã từng xảy ra trước đây./.

Đỗ Trần Thịnh-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh