Tại các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn huyện Châu Thành, người dân tích cực phun tưới cây mới gieo trồng, tăng cường cung cấp nước để tạo độ ẩm, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của các loại rau màu.
Ông Danh Em, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) cho biết: “Hiện nước dưới kênh mương cạn khô nên phải chuyển qua xài nước giếng khoan và nước máy. Trồng rau mùa này cực lắm, thời tiết nắng nóng nên phải thường xuyên tưới nước. Trước đây, mỗi ngày tôi đều thu hoạch 20kg hẹ, rau thơm các loại, giờ giảm chỉ còn 5kg. Bù lại rau bán được giá cao gấp đôi, bình quân 20.000 đồng/kg nên thu nhập cũng ổn định”.
Ảnh: Ông Ngô Văn Đặng, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) tưới nước cho ruộng dưa hấu bằng giàn phun tự động.
Hiện các loại rau màu được nông dân trong tỉnh chọn trồng trong mùa nắng nóng phổ biến là dưa leo, dưa hấu, bí đao, bầu, mướp, cải xanh, rau muống... Hầu hết giá các loại rau màu đều tăng gấp đôi so tháng 1-2024. Riêng mặt hàng dưa leo đang ở mức cao, giá bán tại ruộng từ 18.000-20.000 đồng/kg nhưng sản lượng rất ít do xuất hiện bệnh rầy phấn trắng. Ông Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) nói: “Từ sau tết, dưa leo bị rầy phấn trắng tấn công khiến chết dây khi chỉ mới lên chừng 2 tấc. Đây là bệnh mới xuất hiện, chưa có thuốc đặc trị nên hầu hết nông dân trồng dưa leo ở đây đều thua lỗ”.
Ảnh: Nông dân xã Mỹ Phước (Hòn Đất) tưới nước cho dưa hấu nằng giàn phun tự động.
Vào những ngày này, khi đi qua cánh đồng dưa hấu của ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước (Hòn Đất), nhiều người không khỏi bất ngờ với cách tưới dưa hấu của ông Ngô Văn Đặng. Trên ruộng dưa là 3 chiếc máy tưới tự động đang di chuyển dọc theo các rảnh nước nhỏ được xẻ dọc theo các luống dưa hấu. “Với 3 máy tưới tự động này sẽ tưới xong 20 công dưa hấu chỉ trong 90 phút. Tưới máy nước đều khắp mặt ruộng, rút ngắn thời gian tưới và giảm được hơn chục công lao động”, ông Đặng nói. Ông Đặng là một trong những nông dân trồng dưa hấu lâu năm ở xã Mỹ Phước. Trước đây, ông trồng dưa hấu chỉ vài công nhưng vợ chồng ông phải xách thùng tưới từ hai, ba giờ sáng mới kịp. Trải qua rất nhiều giai đoạn trồng dưa và thay đổi dụng cụ tưới, từ xách từng thùng tưới thủ công, ông Đặng chuyền qua dùng motuer tưới nhưng tốn nhiều lao động. So với hiện nay, với giàn phun tự động, chỉ một mình ông Đặng theo dõi từ xa và giúp máy chuyển hướng tưới.
Ông Đặng nói: “Tôi thấy trên mạng internet có người làm giàn tưới tự động này nên mày mò làm thử. Ban đầu cũng thất bại, làm rút kinh nghiệm dần và hoàn chỉnh. Mỗi dàn tưới gồm 1 đầu máy cắt cỏ cải tiến lại, hai ống nhựa có khoan lỗ, xuồng nhỏ để đặt máy, chi phí mỗi giàn tưới chỉ 2 triệu đồng. Nếu làm thì chỉ mất 1 ngày là hoàn thành 1 giàn tưới”.
Ảnh: Giàn tưới tự động do ông Ngô Văn Đặng lắp ráp giúp giảm công lao động, cung cấp đủ nước cho ruộng dưa hấu phát triển trong mùa nắng nóng.
Theo ông Đặng, cách để khoan lỗ trong ống nhựa cũng rất quan trọng, làm sao cho phun nước đều và đặc biệt nhờ lực đẩy của nước mà đầu ống bên kia tự cân bằng lên xuống theo cách tùy chỉnh ga máy của mình phù hợp. Từ chỗ làm cho nhà sử dụng, đến nay gia đình ông làm bán cho bà con chung quanh xài. Nhờ những sáng chế nhỏ mà nông dân nơi đây không lo chuyện tưới khoai, dưới dưa hấu mùa nắng hạn như trước kia nữa.
Đồng chí Đồng Thị Thu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước cho biết: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Trước tình hình nắng hạn như hiện nay, Hội Nông dân xã khuyến khích người dân chọn đối tượng cây trồng phù hợp đó là dưa hấu. Hiện toàn xã có hơn 40ha dưa hấu, tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái 20ha. Nhờ chủ động được phương tiện tưới nước, chăm sóc đúng kỹ thuật, cộng thêm thời tiết thuận lợi giúp dưa phát triển tốt. Hy vọng hơn 20 ngày nữa khi dưa của bà con thu hoạch sẽ bán được giá cao”.