Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
(22:10 | 23/06/2024)

Thực hiện Kế hoạch 168-KH/HU, ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Riềng về thực hiện Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện năm 2024. Từ đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện phối hợp với phòng Nông nghiệp xây dựng Kế hoạch số 31-KH/HND-PNN&PTNT, ngày 16/02/2024 về cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây ăn trái phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng nhằm khai thác, phát triển kinh tế vườn là hướng đi đang được các cấp, các ngành và các địa phương chú trọng thực hiện. Điều này, vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần tạo nên một diện mạo nông thôn khang trang, phù hợp với xây dựng nông thôn mới.

Huyện Giồng Riềng, địa hình thấp và tương đối bằng phẳng, có nguồn nước ngọt quanh năm, thời tiết khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho việc trồng lúa nước, cây ăn trái, rau màu… với tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân, từ đó đã cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

 

Mô hình trồng khóm xã Vĩnh Phú (sản phẩm OCOP của địa phương).

 

Thời gian qua nhiều địa phương trong huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, chuyển đổi sang mô hình kinh tế hộ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tự nhiên của địa phương như: Tổ hợp tác trồng khóm ấp Lương Trực, xã Vĩnh Phú; Chi hội trồng dưa leo ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch; Chi hội trồng mít ruột đỏ ấp Kênh Giữa, xã Hòa Hưng; trồng sầu riêng xã Hòa Lợi; làm vườn xã Thạnh Lộc… có thể nói ngoài trồng lúa đây là những mô hình kinh tế phát triển chủ lực của địa phương, giúp cho nhiều nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hội Nông dân huyện, đã khảo sát diện tích cải tạo vườn tạp, mở rộng mô hình sản xuất có hiệu quả trong hội viên nông dân; chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn khảo sát lập danh sách những hộ có diện tích vườn tạp có nhu cầu về vốn để cải tạo chuyển đổi sang mô kinh tế gửi về huyện Hội. Đồng thời, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 88 hộ, với số tiền trên 4,5 tỉ đồng để cải tạo vườn tạp và mở rộng diện tích canh tác.

 

Mô hình trồng dưa leo xã Bàn Thạch.

 

Ngoài nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, những năm qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng quan trọng giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, đến nay hiện còn 35 dự án đang được Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp hỗ trợ, với số tiền 9 tỷ 443 triệu đồng (trong đó 03 dự án Trung ương, 05 dự án cấp tỉnh, 27 dự án cấp huyện), có 467 hội viên nông dân tham gia; ngoài ra Hội Nông huyện dân còn giải ngân 970 triệu đồng (không tính lãi từ nguồn vốn Nghị định 35 của Chính phủ) cho 8 xã thực hiện các mô hình kinh tế như: Nuôi lươn xã Ngọc Chúc, xã Vĩnh Phú, xã Ngọc Thành; nuôi cá trên ruộng lúa Thị trấn; nuôi cá trong vèo, bè xã Long Thạnh, xã Vĩnh Thạnh; trồng dưa leo xã Bàn Thạch và mô hình nuôi ốc bươu đen xã Bàn Tân Định.

Trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, góp phần tạo điều kiện hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn là một trong những giải pháp tích cực giúp gia tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, củng cố những giá trị bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Hồng Gấm-HND Giồng Riềng