Cần giải pháp phát triển bền vững kinh tế tập thể tôm - lúa
(23:17 | 12/08/2024)

Mô hình con tôm ôm cây lúa của nông dân Kiên Giang đã chứng minh hiệu quả qua gần 20 năm sản xuất. Để mô hình kinh tế tập thể sản xuất tôm - lúa phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Mô hình  tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương áp dụng. Hiện toàn tỉnh có hơn 63.000ha sản xuất tôm - lúa thuộc các hợp tác xã, chiếm gần 60% diện tích sản xuất tôm - lúa toàn tỉnh. Theo các hợp tác xã, mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả hơn so độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống. Nhiều hộ thu về sản lượng từ 400-500kg tôm/ha và 5-6 tấn lúa chất lượng cao, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Tô Văn Lãnh - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tôm lúa Thùy Dương (An Minh) cho biết, trước đây, nông dân huyện An Minh mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất, nông dân tận dụng những điều kiện bất lợi thành cơ hội để phát triển nuôi tôm, cua kết hợp trồng lúa cho thu nhập ổn định. “Những tháng đầu năm 2024, dù nắng nóng gay gắt nhưng thành viên hợp tác xã được Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn khoa học - kỹ thuật, thực hiện cải tạo ao bài bản, chọn con giống chất lượng nên đa phần thành viên hợp tác xã nuôi tôm đạt. Nhiều hộ thu hoạch lúc tôm sú có giá cao, loại 20 con/kg giá 240.000 đồng/kg nên bình quân thu lợi nhuận 40 triệu đồng/ha”, ông Lãnh nói. 

 

Nông dân xã Đông Hưng (An Minh) thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân sản lượng tôm nuôi theo mô hình tôm - lúa đạt hơn 61.000 tấn/năm, chiếm hơn 55% sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh. Cùng với con tôm, còn có hàng trăm ngàn tấn lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu từ vùng sản xuất tôm - lúa. Đồng chí Huỳnh Minh Trung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Các hợp tác xã tôm - lúa của huyện hiện nay đang dần chuyển sang trồng lúa hữu cơ trên nền nuôi tôm, chủ yếu là giống lúa ST. Nhờ được một số doanh nghiệp liên kết cung ứng phân bón, giống nên giảm chi phí sản xuất, đến khi thu hoạch được thu mua theo hợp đồng nên không lo đầu ra”.

Theo một số hợp tác xã tôm - lúa,  vào mùa nắng hạn những năm gần đây nông dân gặp nhiều khó khăn trong nuôi tôm. Đầu năm 2024, đã có nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do nhiều nguyên nhân như công trình nuôi không đúng yêu cầu kỹ thuật nên mực nước trên ao nuôi thấp làm nhiệt độ tăng cao, con giống không đảm bảo chất lượng, độ mặn trong nước tăng cao vượt ngưỡng cho phép hơn 30‰… Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Hợp tác xã tôm - lúa Hưng Nông (An Biên) nói: “Để hạn chế thiệt hại, đề nghị sở, ngành, đơn vị liên quan vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé phù hợp hơn với lịch thời vụ tôm, lúa của địa phương, giúp người dân thuận lợi trong lấy nước nuôi tôm, trồng lúa, giảm thiệt hại”.

 

Ruộng sản xuất tôm - lúa của nông dân xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận).

 

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có mã vùng trồng, vùng nuôi cũng là một trong những rào cản để sản phẩm tôm, lúa Kiên Giang vươn xa. Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp đồng bộ, ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm việc cấp mã vùng nuôi, mã vùng trồng, kiểm soát dịch bệnh, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản cho các mô hình kinh tế tập thể tôm - lúa của tỉnh.

Theo đồng chí Trương Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, là tỉnh dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa đạt 4,5 triệu tấn/năm nhưng tỉnh chỉ xuất khẩu được 25% sản lượng. Tượng tự, với sản lượng thủy sản  trên 800.000 tấn nhưng chưa đến 10% được xuất khẩu. Từ thực trạng này, Sở Công thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch hình thành 19 điểm nhà máy và 12 cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung cho chế biến thủy sản, chế biến gạo nhằm nâng được giá trị nông sản xuất khẩu. Một việc nữa Sở Công thương đang quyết liệt hình thành các dịch vụ logistics.

“Chúng tôi đang tập trung thực hiện kế hoạch xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, mời hội nông dân, các hợp tác xã, trong đó có các hợp tác xã tôm - lúa tham gia. Từ việc đưa các sản phẩm vào sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ quảng bá, tiến tới mua bán trực tuyến nhằm xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp sản phẩm tôm, lúa gia tăng giá trị, mở rộng kênh tiêu thụ”, đồng chí Trương Văn Minh nói.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang