Từ sự đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân, theo hướng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Phong trào cũng giúp nông dân khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu, giảm nghèo. Trong 5 năm qua, có 642.077 lượt hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét có 350.383 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so với trước. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng cho lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ và giúp 2.184 hộ thoát nghèo. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn tham gia đóng góp 3,5 tỷ đồng, 3.779 ngày công lao động, hỗ trợ giống vật tư gần 7 tỷ đồng, thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, đặc biệt là đóng góp nông sản, hàng hóa hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch COVID-19. Đến cuối năm 2023, có 214 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân được được công nhận mô hình “Dân vận khéo” các cấp.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân Kiên Giang. Ảnh: ĐẶNG LINH
Nhằm đổi mới công tác tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh ký kết quy chế phối hợp với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp ngoài tỉnh để tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho 75.671 lượt hội viên, nông dân; xây dựng thành công 138 mô hình điểm ứng dụng khoa học - công nghệ mới, 25 mô hình trình diễn về nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản… với tổng kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ vốn cho nông dân được các cấp hội phối hợp triển khai khá kịp thời, tập trung vào các mô hình mới, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 50,4 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội 9,2 tỷ đồng, nguồn vốn này đã hỗ trợ cho 4.529 lượt hộ vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án.
Các đại biểu dự hội thảo thăm ruộng lúa của bà Tạ Thị Nâu - thành viên Hợp tác xã Thạnh Thắng, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng). Ảnh: BÍCH LỆ
Trong suốt quá trình lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn đổi mới, sáng tạo trong cách làm, từng bước phát huy có hiệu quả vai trò đồng hành với nông dân trong việc giới thiệu cung ứng dịch vụ, vật tư, thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là phối hợp giới thiệu hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, máy móc, thiết bị và dịch vụ trong các khâu trồng trọt, chăn nuôi, chế biến từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý và có cơ chế ưu đãi phù hợp. Song song đó, Hội còn phối hợp cung ứng 116 tấn lúa giống, 314.375 cây giống, 169 tấn thức ăn, phân bón, tổng kinh phí 45 tỷ đồng thực hiện các hoạt động thử nghiệm có đối chứng và sơ kết theo vụ để giúp nông dân lựa chọn phát triển mô hình sản xuất, nhất là các mô hình theo hướng thân thiện với môi trường, mô hình hữu cơ, an toàn sinh học. Với trăn trở nông nghiệp truyền thống tỉnh ta đa phần là nhỏ lẻ, manh mún, mặc dù nông dân có cần cù, chịu khó. Từ việc xác định chỉ có hợp tác, coi hợp tác là một triết lý sản xuất nông nghiệp mới có thể đánh thức tiềm năng của từng mảnh ruộng, vuông tôm, bè cá của người dân, Hội đã vận động thành lập 366 tổ hợp tác, 82 hợp tác xã, tăng 30% so đầu nhiệm kỳ.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thường xuyên quảng bá hình ảnh về văn hóa và con người, nông thôn, sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp do nông dân Kiên Giang làm ra đến cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua công tác phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, gặp gỡ trao đổi với đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội… Qua đó, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng, mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế.