Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế
(23:52 | 06/09/2024)

Thời gian qua, với sự đồng hành của Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên xã Giục Tượng (Châu Thành), nhiều đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu.

Với tư duy năng động, sáng tạo, anh Nguyễn Tấn Kỷ, ngụ ấp Tân Điền, xã Giục Tượng quyết tâm làm giàu, lập nghiệp tại quê nhà với nghề làm mụn xơ dừa. Tận dụng nguồn vỏ dừa phế phẩm từ nhiều quán ăn uống bỏ đi, anh Kỷ tự chế máy đánh tự động thành mụn làm phân bón hữu cơ cho cây xanh, hoa kiểng. Anh Kỷ cho biết: “May mắn tôi được tổ chức Đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên xã làm cầu nối giúp tiếp cận nguồn vốn 100 triệu đồng lãi suất thấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Nguồn vốn này tiếp thêm động lực để tôi đầu tư chế tạo máy đánh mụn xơ dừa, giúp tăng thu nhập”.

Với giá bán 25.000 đồng/bao, trừ chi phí, bình quân anh Kỷ thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sợi xơ dừa cũng được anh Kỷ bán cho các nhà vườn dùng cho việc phủ mát gốc cây xanh, hoa kiểng. Đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, sản phẩm mụn dừa của anh Kỷ sản xuất hầu như không lẫn tạp chất nên được thị trường đón nhận với mức tiêu thụ từ 50-100 bao mụn dừa/ngày và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Tất bật với việc nhà là vậy nhưng anh Kỷ vẫn dành thời gian sát cánh cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên khó khăn trong xã. Hiện nghề sản xuất mụn dừa của anh Kỷ tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên địa phương.

Tại ấp Tân Phước, xã Giục Tượng, anh Nguyễn Văn Hoài cũng là điển hình thanh niên chí thú làm ăn. Vốn năng động trong phát triển kinh tế, anh Hoài vay mượn người thân, bạn bè đầu tư tái đàn heo thịt sau thời gian thua lỗ vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Bên cạnh đó, được tổ chức đoàn hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ vốn tín dụng chính sách, anh Hòa sửa sang lại chuồng, mua thêm cặp heo rừng giống từ Tây Nguyên về nuôi sinh sản.

 

Anh Nguyễn Văn Hoài giới thiệu mô hình nuôi heo thịt của gia đình với cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên xã Giục Tượng.

 

Làm bảo vệ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), anh Hoài đăng ký trực ca đêm để ban ngày có thời gian chăm sóc, cắt rau, cỏ cho đàn heo. Hiện trang trại của anh 13 con heo, trong đó có 4 heo sinh sản, còn lại heo thịt trọng lượng hơn 50kg. “Sau nhà còn 2 công vườn tôi dùng trồng cỏ và bao lưới sắt xung quanh chuẩn bị cho đàn heo rừng được nhân ra trong tương lai. Chọn heo rừng để phát triển vì xu hướng tiêu dùng hiện nay chú trọng sản phẩm chăn nuôi an toàn nên tôi quyết tâm đầu tư. Nhất là khi có sự định hướng, động viên của tổ chức đoàn, hội, tôi càng tự tin hơn”, anh Hòa nói. Theo đồng chí Trần Thị Hồ Thủy - Phó Bí thư Xã đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Giục Tượng, nhiệm kỳ 2019-2024, hội tiến hành khảo sát nắm lại tất cả các đối tượng thanh niên ấp trên một số mặt như việc làm, điều kiện đất đai sản xuất, kỹ thuật canh tác, tâm tư nguyện vọng của thanh niên... “Đối với thanh niên có đất sản xuất, có vốn, có mô hình sản xuất thì phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm giúp thanh niên sản xuất hiệu quả. Trường hợp có đất, có vốn nhưng chưa có mô hình thì tập hợp lại thành nhóm giới thiệu mô hình làm ăn hiệu quả học tập, áp dụng”, đồng chí Trần Thị Hồ Thủy nói.

Cũng từ việc rà soát hàng năm, 5 năm qua, Ủy ban Hội xã Giục Tượng hỗ trợ 1,2 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm cho 18 thanh niên, giúp 11 thanh niên thoát nghèo, nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách trong thanh niên xã Giục Tượng đến nay đạt 7,8 tỷ đồng. Hiện xã có một số mô hình sản xuất hiệu quả trong thanh niên như: Nuôi heo sinh sản, heo mọi, gà, nuôi ốc bươu đen, trồng ớt, cây kiểng... với mức lợi nhuận từ 100-300 triệu đồng/năm. Thu nhập ổn định, đời sống nâng lên, 500 thanh niên xã Giục Tượng đăng ký được kết nạp vào tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên xã Giục Tượng.

An Lâm-Báo Kiên Giang