Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang: Tăng cường phối hợp để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
(22:34 | 05/11/2024)

Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điều này đã được cụ thể hóa tập trung tại các Quyết định 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Cơ sở để thực hiện điều đó là phương châm “Lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác làm nền tảng”.

Hiện nay, cả tỉnh có hơn 183 ngàn hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong đó, hộ nông dân có diện tích canh tác hơn 1 ha chỉ có 31%. Do quy mô diện tích nhỏ nên đóng góp của thu nhập này có xu hướng giảm, hệ lụy là nhiều hộ nông dân chỉ coi sản xuất nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực cho gian đình hoặc còn giữ đất chờ cơ hội từ chuyển nhượng hay chuyển mục đích sử dụng. Có nơi, nông dân cho thuê hay gửi đất để đi làm ở các khu công nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn.

Hộ canh tác diện tích nhỏ gặp bất lợi vì không sử dụng được cơ giới, khó tiếp cận được vốn tín dụng, không có quyền lực đàm phán khi mua vật tư đầu vào, bán sản phẩm đầu ra và liên kết chuỗi giá trị. Trong điều kiện đó, cùng tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp được xem là cách thức tối ưu, phù hợp có hiệu quả để giúp hộ nông dân sản xuất nhỏ vượt và các hạn chế của mình.

 

Các thành viên Đội bắt tôm Lô A - xã Đông Yên, huyện An Biên, đang thu hoạch tôm.

 

Với quyết tâm phối hợp để phát huy tối đa nguồn lực của các bên thực hiện nhiệm vụ này, Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục ký kết chương trình phối hợp theo hướng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó tập trung cho các nhiệm vụ:

Một là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, ưu tiên cán bộ hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 50% hội nông dân cấp xã có cán bộ am hiểu nhiệm vụ vận động bà con và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã.

Hai là, Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn thành lập, xây dựng các mô hình phát triển các vùng nguyên liệu tập trung diện tích trên 50 ha và có khả năng tham gia chuỗi giá hoặc hưởng ứng đi theo đề án lúa hữu cơ chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ trị tại 5/15 huyện, thành phố.

Ba là, Hỗ trợ xây dựng, cũng cố và phát triển 70 Chi hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” tạo cơ sở nền tảng phát triển thành hợp tác xã.

 

Đồng chí Giang Thanh Khoa (bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham quan các sản phẩm trưng bày sản phẩm OCOP Kiên Giang tại nhà hàng Gió Biển.

 

Bốn là, Tiếp tục xây dựng và mở rộng thành lập mới các mô hình như đã thực hiện được: Hội quán nông dân (Rạch Giá, Châu Thành); Câu lạc bộ nông dân 500 triệu đồng (Gò Quao) và Câu lạc bộ hội viên nông dân danh dự (Rạch Giá),  Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn, Câu lạc bộ OCOP…

Năm là, Xây dựng được 1 Hợp tác xã điển hình làm điểm, về chuỗi ngành hàng lúa gạo với diện tích 500 ha và các doanh nghiệp: phân bón hữu cơ, doanh nghiệp cung cấp giống xác nhận, doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu, cùng với Ngân hàng thương mại… tham gia làm thành viên.

Theo đó chương trình phối hợp này giữa hai cơ quan cần được triển khai cụ thể bằng kế hoạch hằng năm trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nguồn lực chặt chẽ, thống nhất có sự kiểm tra, giám sát bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Chương trình phối hợp này cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và Hội Nông dân các cấp xây dựng chương trình phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại tỉnh nhà./.

Th.s Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên-Chủ tịch HNDT