Thay đổi thói quen canh tác để sản xuất lúa ngày càng thân thiện môi trường
(22:53 | 05/11/2024)

Để tham gia và thực hiện tốt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ.

Hội Nông dân các cấp tại địa phương sẽ hướng về cơ sở tập trung tuyên truyền để bà con hội viên chuyển đổi thói quen canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện môi trường thông qua ba kỹ thuật cơ bản, dễ làm nhất và có tác động chuyển biến tích cực nhất đến môi trường, đó là:

1. Không đốt và sử dụng rơm rạ hiệu quả.

2. Kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẻ.

3. Sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý theo nhu cầu cây lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường 2023, tổng lượng khí phát thải nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp là 88,3 triệu tấn (CO2, CH4…) chiếm  32,2% tổng lượng phát thải của cả nước. Trong đó, riêng canh tác lúa chiếm đến 44,6 triệu tấn (50,49 %). Từ góc độ giá trị, điều này tương đương với việc lãng phí 150 triệu USD mỗi năm nếu chúng ta vẫn duy trì lối canh tác tuyền thống; vì thế cần khắc phục ngay các vấn đề nêu trên trong canh tác lúa, cụ thể là:

 

Các đại biểu dự hội thảo thăm ruộng lúa của bà Tạ Thị Nâu - thành viên Hợp tác xã Thạnh Thắng, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng). Ảnh: BÍCH LỆ

 

Rơm rạ là phế phẩm của quá trình canh tác lúa. Nhiều đời nay, nông dân ta thường đốt rơm rạ để loại bỏ nhanh phế phẩm này khi chuẩn bị cho vụ sau. Điều này ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến ô nhiễm không khí và sức khỏe con người do các loại khí nhà kính như các-bon đen được giải phóng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2020 có đến 82% nông dân còn đốt rơm rạ sau thu hoạch. Vì vậy, cần kiên trì vận động bà con nên chuyển dần từ đốt rơm rạ sang áp dụng những cách khác như: sử dụng để che phủ cây trồng, trồng nấm rơm, ủ làm phân bón hay bán cho các nhà máy chế biến vật liệu…

Người xưa có câu tục ngữ trong nghề trồng lúa “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Theo đó nước có vai trò rất quan trọng đối với năng suất lúa và người nông dân thường có thói quen truyền thống là duy trì ngập nước trong ruộng lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, khi giữ nước liên tục trong ruộng, dễ làm cho rễ lúa cũng như chất hữu cơ từ rơm rạ bị chôn vùi trong nước, bị phân hủy trong điều kiện thiếu oxy sẽ tạo ra một lượng khí phát thải Metan (CH4) khá lớn. Vì vậy để giảm đáng kể lượng phát thải này cần phải thay đổi cách làm truyền thống không nên giữ nước trong ruộng lúa liên tục mà nên thực hiện phương pháp tưới ướt, khô xen kẻ.

 

Cán bộ kỹ thuật thăm ruộng lúa của bà Tạ Thị Nâu - thành viên Hợp tác xã Thạnh Thắng, xã Thạnh Bình (Giồng Riềng). Ảnh: BÍCH LỆ

 

Cũng theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm đất, nước và không khí trong canh tác lúa còn ở chỗ mỗi năm nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đã lạm dụng phân bón hóa học nên bón thừa khoảng 140 ngàn tấn Nitơ, 82 ngàn tấn Phốt pho và 66 ngàn tấn Kali. Các chất dinh dưỡng dư thừa này sẽ tích tụ lũy tiến theo thời vụ trong đất và nước từ đó gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn cũng như làm ô nhiễm không khí, nước và đất. Việc bón phân quá mức không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tăng chi phí cải thiện môi trường.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến 2025 và 2030, nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long phải hướng tới giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên vào năm 2025 và 40 % vào năm 2030. Đây là tiền đề để đảm bảo cho Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ hiện thắng lợi đúng theo kế hoạch.

Th.s Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên-Chủ tịch HNDT