Ông Lâm Hoàng Đức sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê khó khăn, đất đai canh tác kém màu mỡ. Nhiều năm liền việc trồng lúa không đem lại lợi nhuận ổn định. Đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, khiến ông phải trăn trở tìm hướng đi mới cho kinh tế gia đình. Trong một lần tham quan mô hình trồng dưa leo ở tỉnh lân cận, ông Đức nhận thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại có thời gian sinh trưởng ngắn và nhu cầu thị trường cao. Ông Đức quyết định thử nghiệm trồng dưa leo trên 1ha đất của gia đình. Ban đầu, thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư, ông Đức gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần học hỏi, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp, tìm hiểu kỹ thuật canh tác và cải tạo đất.
Nhờ sự chăm chỉ và áp dụng đúng kỹ thuật, chỉ sau 1 tháng, những trái dưa leo đầu tiên đã cho thu hoạch. Vụ đầu tiên, ông thu về hơn 40 triệu đồng, vượt xa mong đợi. Nhận thấy hiệu quả, ông Đức đã mở rộng diện tích canh tác lên 4ha để trồng dưa leo. Nhờ vào sự chăm sóc tỉ mỉ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn dưa leo của ông Đức ngày càng phát triển tốt. Vườn dưa leo của ông không chỉ cho năng suất cao mà còn đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mỗi năm, ông thu hoạch vài tấn dưa leo, cung cấp cho thị trường. Với giá được thương lái thu mua tại vườn từ 10.000 đồng đến 15ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Đức lãi trên 150 triệu đồng. Mức thu nhập ổn định từ dưa leo giúp gia đình ông vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống và vươn lên khá giả.
Ông Lâm Hoàng Đức, đồng bào Hoa, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) thu hoạch dưa leo.
Sau những năm trồng dưa leo, ông Đức đã tự sản xuất hạt giống, mỗi năm tiết kiệm chi phí mua hạt giống gần 10 triệu. Chia sẻ về kinh nghiệm trong tròng dưa leo, ông Đức cho biết: “Trồng dưa leo cũng không quá khó, chủ yếu vị trí đất trồng phải được lên liếp; mỗi liếp cách 1m để bơm nước ra, vào. Việc chọn giống dưa leo cũng quan trọng, những cây giống khỏe sẽ phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn. Bên cạnh đó, tôi chủ yếu áp dụng các biện pháp hữu cơ, sử dụng phân bón sinh học để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra sản phẩm sạch”.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân, ông Đức còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp trồng dưa leo cho những nông dân khác trong vùng. Ông luôn sẵn lòng hướng dẫn những người dân, đặc biệt là những người trẻ, những người có ý định phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của ông, nhiều người trong ấp cũng đã thành công với mô hình trồng dưa leo, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của cả cộng đồng. “Anh Đức sống rất hòa đồng với bà con xóm làng, là người rất gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất. Trong canh tác, anh Đức luôn chia sẻ những kinh nghiệm để giúp anh em trồng trọt đạt hiểu quả kinh tế cao hơn. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của anh Đức mà mô hình trồng dưa leo của tôi đạt được hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi nhuận cho gia đình” anh Hồ Văn Sơn, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch nói.
Việc sử dụng phân bón sinh học đã giúp ông Lâm Hoàng Đức, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) tạo ra sản phẩm sạch, được thương lái ưa chuộng.
Ngoài trồng dưa leo, ông Đức còn tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà nuôi thêm gà, vịt, lấy ngắn nuôi dài giúp tăng thêm thu nhập. Từ năm 2018-2023 gia đình ông Đức được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã, và được Ban dân tộc tỉnh tặng giấy khen có thành tích trong thực hiện công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc giai đoạn 2019-2024. “Ông Đức là một hội viên có tinh thần cầu tiến, chịu khó tìm tòi học hỏi để thực hiện thành công mô hình trồng dưa leo. Phát huy vai trò của nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền, ông Đức chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và vận động hội viên, nông dân trong ấp đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm” đồng chí Lê Phú Quí - Chủ tịch Hội nông dân xã Bàn Thạch cho biết.
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, hòa nhã, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ông Đức được người dân trong ấp tin tưởng và bầu chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Vượt khó, sự sáng tạo và tinh thần không ngừng học hỏi ông Đức đã thành công với mô hình trồng dưa leo. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình trồng dưa leo gắn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản với định hướng tạo ra sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, tôi sẽ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp những chủ vườn cải thiện kỹ thuật và đạt năng suất cao hơn để ổn định cuộc sống” ông Đức chia sẻ.