Phó Thủ tướng: Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là xóa nghèo cho Tây Bắc
(15:01 | 14/07/2015)

 Mặc dù các địa phương vùng Tây Bắc có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực còn cao. Do đó, cần tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển với mục tiêu trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Tây Bắc với cả nước.

 Sáng 9/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương đánh giá kỹ tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; thảo luận sâu một số chuyên đề về công tác bảo đảm an ninh biên giới, an ninh đối ngoại vùng Tây Bắc, thực trạng đời sống và sản xuất của đồng bào tái định cư các dự án thủy điện; tình hình tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, công tác an sinh xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng qua, 14 tỉnh trong khu vực đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Về xóa đói giảm nghèo, tuy các địa phương có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực còn cao. Do đó, cần tập trung hơn các nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực với mục tiêu trọng tâm vẫn là tập trung xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Tây Bắc với cả nước. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần nắm chắc các vấn đề phát sinh để giải quyết kịp thời, trong đó kiên quyết không được để dân thiếu đói.
Việc áp dụng các chương trình khoa học công nghệ để phát triển khu vực Tây Bắc phải bảo đảm thiết thực, tránh hàn lâm kinh viện.
Đối với các vấn đề an ninh quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng, các cấp chính quyền kiên quyết không để xảy ra bất cứ tình huống đột xuất, bất ngờ nào.
Các tỉnh có đường biên giới cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ sức khỏe và nền sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo các tỉnh cũng cần đặc biệt chú ý phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, có các biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đối với người dân...
Liên quan đến chính sách tín dụng cho Tây Bắc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ chế chính, sách tín dụng cho phát triển Tây Bắc là cung cấp tốt nhất nhu cầu vốn cho Tây Bắc với tỷ trọng khá lớn cho khu vực này.
Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc cho hộ gia đình vay vốn với mục tiêu không vì lợi nhuận, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay hộ gia đình lên đến 100 triệu đồng mà không cần thế chấp, góp phần cho hộ gia đình có điều kiện đầu tư, nâng cao đời sống.
Nhiều chương trình cho vay tín dụng bước đầu đạt kết quả, nhất là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank...
Về chương trình KHCN, GS. Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đến nay đã triển khai được 20 đề tài trên cơ sở đặt hàng theo nhu cầu phát triển của các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, toàn vùng có đến 57 huyện thuộc chương trình 30a hoặc hưởng cơ chế của chương trình 30a, trong đó, trọng tâm vẫn là các huyện nghèo, xã nghèo và đặc biệt khó khăn nhằm tăng hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân. Cơ quan chức năng đang tập trung rà soát lại gần 200 văn bản chính sách cho người nghèo (riêng tín dụng có đến 12 loại vốn được vay).
Vì vậy, để khắc phục sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo, cần đánh giá sát thực tiễn xem chính sách nào phù hợp, không còn phù hợp. Điều này đòi hỏi phản ánh từ các địa phương để sửa đổi cho hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển đối với khu vực.


Trong 6 tháng qua, kinh tế trên địa bàn phát triển khá; tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,75% (chưa tính các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa); thu ngân sách tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông, lâm nghiệp vùng Tây Bắc phát triển ổn định trên tất cả các tiểu ngành. Chăn nuôi cơ bản ổn định và tiếp tục có xu hướng phát triển, nhiều mô hình nuôi cá trên lòng hồ các thủy điện hứa hẹn tiềm năng phát triển ngành kinh tế thủy sản. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được các địa phương tổ chức phù hợp với từng địa bàn, giàu bản sắc dân tộc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014. Quy mô mạng lưới trường lớp học được củng cố, cơ sở vật chất được đầu tư, phong trào khuyến học được chú trọng; tiếp tục duy trì phổ cập trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em được thực hiện có hiệu quả; 6 tháng đầu năm toàn vùng không xảy ra dịch bệnh lớn. Việc tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng được các địa phương trong vùng thực hiện nghiêm túc, việc thay thế các chất gây nghiện bằng Methadone được xã hội ủng hộ, toàn vùng đã tổ chức cai nghiện bằng nhiều hình thức cho trên 7.800 người. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới được triển khai tích cực. Đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân trong vùng cơ bản ổn định.
Các địa phương tích cực triển khai chương trình, dự án liên quan đến công tác xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào nhất là vùng sâu, vùng xa; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn miền núi được gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách dân tộc và an sinh xã hội; tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tăng cường các dịch vụ y tế, giáo dục; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư...
Tình hình tôn giáo vùng Tây Bắc cơ bản ổn định. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; các quy định về xuất, nhập cảnh được thực hiện nghiêm túc.


Nguồn: Chính Phủ