Nông thôn mới
(09:59 | 18/07/2016)

 Hội Nông dân Giồng Riềng tham gia xây dựng nông thôn mới

               Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, Mục đích của chương trình là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Với lực lượng 27.500 hội viên nông dân trong huyện, chiếm 75% so với hộ nông nghiệp, xác định rõ vai trò của Hội Nông dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp hội trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, các câu lạc bộ nông dân, hội thi, tọa đàm…Trên cơ sở kế hoạch của Ban chỉ xây dựng nông thôn mới của huyện, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch và lựa chọn 4/19 tiêu chí để chỉ đạo các cấp hội trong huyện tổ chức thực hiện cụ thể như: phối hợp dạy nghề lao động nông thôn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân; vệ sinh môi trường; xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng giao thôn nông thôn.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn của địa phương, các cấp Hội trong huyện tham gia tích cực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, vận động nông dân đóng góp công sức tham gia xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi, công trình cung cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải; thực hiện chức năng giám sát các công trình Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương, tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng đời sống văn hóa mới. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nông dân nghèo có hiệu quả và bền vững theo phương pháp: “Cầm tay, chỉ việc”, “Nông dân dạy nông dân”. Thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trên, các cấp Hội Nông dân đã góp phần tích cực và tham gia có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với vai trò là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc phát triển quê hương hôm nay.

Một trong những hình thức tổ chức để hội viên nông dân tích cực đóng góp có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là các cơ sở hội đã thành lập các loại hình như: tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ…đến nay thành lập 860 tổ hợp tác và 77 HTX nông nghiệp, 247 CLB; xây dựng được 141 mô hình dân vận khéo trong đó có 53 tập thể và 88 cá nhân, chủ yếu hoạt động ở các loại hình như: CLB nông dân trồng rau màu, CLB nông dân nuôi cá, CLB sản xuất lúa giống. Trong đó có 12 CLB và một chi hội nông dân với pháp luật. Qua đó giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là nội dung phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hiểu được vai trò mỗi gia đình, mỗi thành viên trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó phấn đấu trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; là cầu nối chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất, giúp các thành viên biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, đổi mới phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới.

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, thời gian tới các cấp hội trong huyện tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Làm tốt công tác tuyên truyền, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ chủ chốt bảo đảm tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức hội và các phong trào nông dân trong tình hình mới theo kết luận 61-KL/BBT của Ban Bí thư về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2020”.

Xây dựng thành công nông thôn mới sẽ làm hiện đại bộ mặt nông thôn. Vì vậy, để xây dựng nông thôn mới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân cần phải chủ động phát huy vai trò của mình, cùng tham gia lao động, giám sát theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; đề ra những giải pháp, định hướng để xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng kinh tế hộ và tình hình thực tiễn ở địa phương.

 

Trần Ngọc Khải