Nguyên nhân và giải pháp hạn chế đổ ngã lúa trong mùa mưa
(10:54 | 29/05/2017)

 Trong canh tác lúa hiện nay, nông dân thường xuyên phải đối mặt với sự đổ ngã của lúa nhất là trong mùa mưa. Đổ ngã làm giảm năng suất lúa (trên 10%), ảnh hưởng đến chất lượng gạo và gây khó khăn trong thu hoạch nhất là thu hoạch bằng máy. Lúa ngã ảnh hưởng đến quang hợp, quá trình tạo hột bị đình trệ do sự vận chuyển chất khô bị trở ngại, tỷ lệ lép và lửng gia tăng. 

           Ngoài ra lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước thúc đẩy hạt nẩy mầm, hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công và giảm chất lượng gạo. Để tránh hiện tượng trên, người trồng lúa cần phải tìm ra nguyên nhân của sự đổ ngã, có thể là do:

Thân lúa vươn cao: Cây lúa càng cao, càng dễ đổ ngã. Để hạn chế bằng cách đếm số cây trên mét vuông trước khi bón phân thúc chồi (lúc 18-22 ngày sau khi gieo). Đếm ở 3 vị trí khác nhau của thửa ruộng và lấy trung bình. Nếu có trên 500 cây/m2 thì giảm 1/3 lượng đạm bón để lúa không ra nhiều chồi cạnh tranh nhau vươn cao (tổng lượng đạm bón cho cả vụ thường không được quá 90 kgN/ha). Ngoài ra thân cao có thể do giống, cho nên chọn giống có thân thấp trồng trong mùa mưa là việc cần phải làm.

Đất quá mềm nhão: Đất mềm nhão không giữ chặt được rễ làm cây tróc gốc. Hạn chế bằng cách rút nước thường xuyên giữa vụ; khi rút nước nên để cho mặt đất khô ráo, răn nhẹ mới cho nước vào. Nếu ruộng quá trủng không thể nào rút nước ráo được trong mùa mưa thì nên áp dụng cấy, lúa cấy có bộ rễ được giữ chặt trong đất tốt hơn.

Đất có tầng canh tác mỏng: Làm đất bằng cách xới sau nhiều năm hình thành tầng đế cày gần mặt đất, làm cho tầng canh tác chỉ dầy khoảng 7-8 cm. Tầng đế cày là tầng đất cứng, chặt ngăn cản rễ ăn sâu; Rễ chỉ ăn bàn trên mặt đất nên rất dễ bị tróc gốc gây đổ ngã. Nên phá vở tầng đế cày bằng cách cày sâu 15-20 cm, để ải mỗi năm một lần làm dầy tầng canh tác.

Bẹ lá không ôm sát vào thân: Bẹ lá ôm sát vào thân sẽ gia tăng sự cứng cáp của cây lúa, giảm đổ ngã. Khi cây lúa bị bệnh hay thiếu nước bẹ lá có khuynh hướng tách khỏi thân. Bẹ lá không ôm sát thân còn có thể do giống.

Lóng thân yếu: Lóng có vách mỏng, yếu làm gẩy thân lúa (yếu rạ). Để vách lóng dầy hơn, không nên bón nhiều phân đạm mà tăng cường bón phân kali (bón trên 45 kg/ha) và silic. Tuy chất silic không phải là một “dưỡng chất chủ yếu” của cây lúa, thiếu silic lúa không chết, nhưng lúa hấp thụ rất nhiều silic, nhiều gấp 4 lần chất N. Để có một tấn lúa, cây lúa hấp thụ khoảng 20 kg N, nhưng cần hấp thụ đến hơn 80 kg silic. Như vậy, silic là “dưỡng chất có lợi” vì làm gia tăng sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của lúa. Silic giúp lá, thân và rễ lúa cứng cáp. Khi cây lúa có đủ silic, lá đứng thẳng nên hấp thu được nhiều ánh sáng và làm gia tăng khả năng quang hợp của cây, thân cứng ít bị đổ ngã và vì vậy giảm được tỷ lệ hạt lép và lửng.

Thiếu nắng và mưa gió nhiều: Thiếu nắng làm cho lúa vươn cao; mưa gió nhiều lúa dễ đổ ngã. Trong canh tác lúa cần chọn thời vụ phù hợp. Kết quả nghiên cứu nhiều nơi cho thấy xuống giống lúa vào đầu tháng 5 cho năng suất cao nhất. Xuống giống vào giai đoạn nầy, lúa trổ thường rơi vào gian đoạn hạn Bà Chằn, lúa nhận được nhiều ánh sáng mặt trời và ít mưa gió.

Trần Khải