Chuyện khởi nghiệp của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017
(08:56 | 08/11/2017)

 Không chỉ có “tay” nuôi tôm, cua, sò huyết, chị Phạm Thị Loan (47 tuổi) còn trực tiếp tham gia mua bán thủy sản thu về tiền tỷ mỗi năm. Gia đình chị có nhiều đóng góp cùng địa phương xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, cất nhà cho người nghèo khó.

 

      Do gia cảnh khó khăn nên mới học xong lớp 9 chị Phạm Thị Loan phải nghỉ học để đỡ đần cho cha mẹ lo việc thu mua thủy sản tại ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa (An Minh). Nhà có 11 anh chị em, nhưng chị nổi bật hơn bởi khiếu ăn nói và tài kinh doanh. Tiếp quản việc kinh doanh của cha mẹ, vốn là cơ sở làm ăn uy tín từ 20 năm trước, chị Loan được một số công ty chế biến thủy sản trong tỉnh chọn làm điểm thu mua tôm nguyên liệu. Chị Loan kể: “Khoảng năm 1990, cả vùng này chỉ có vựa thu mua của gia đình nên việc mua bán diễn ra tấp nập cả ngày lẫn đêm. Bình quân mỗi ngày tôi thu mua hàng chục tấn tôm nguyên liệu”. Khó khăn ban đầu không phải ít, có những lúc tôm về nhà máy nhiều nhưng lại chậm thu hồi vốn, khiến việc mua bán của chị có lúc bị ách tắc. Nỗ lực vượt qua khó khăn thời gian đầu, vợ chồng chị được cha mẹ, anh chị em ủng hộ nên công việc làm ăn của chị dần hanh thông.

 Lợi nhuận thu về khá cao từ vựa thu mua thủy hải sản nên ít lâu sau chị Loan bắt đầu có dư. Vựa tôm hoạt động được 7 năm, có được số vốn lớn, chị đầu tư nuôi tôm sú. Nhiều năm làm lụng cật lực lại khéo vun vén nên hiện tại chị Loan sở hữu hơn 40ha đất nuôi tôm xen cua, sò huyết và thu hoạch lần nào cũng bộn tiền, lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Do nuôi tôm, sò huyết và cua theo hình thức quảng canh, hoàn toàn không sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh nên khi thu hoạch chị không bao giờ lo sản phẩm thủy sản của mình không có đầu ra bởi luôn có doanh nghiệp đặt hàng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của vựa tôm cũng đem về lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm. Theo chị Loan, nhờ tuyển được 15 lao động siêng năng, cần cù, trong đó vài người có trình độ kỹ thuật nuôi thủy sản hỗ trợ chị sản xuất nên không lo thất thu khi nuôi tôm, cua, sò huyết.

         Bàn tay thoăn thoắt phân loại từng con tôm trước khi đóng xe giao cho công ty, hoặc bỏ cho các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh, chị Loan nói: “Ngoài tôm, cua là mặt hàng chủ lực, tôi còn thu mua sò huyết, cá chẽm…, miễn là đồ tươi ngon do bà con nuôi hay đánh bắt được”. Để đảm bảo chất lượng nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, hơn 10 năm nay chị Loan thực hiện mô hình mua tận gốc, bán tận ngọn. Vào đầu vụ, chị Loan cho bà con mượn vốn không tính lãi để đầu tư cải tạo ao, mua con giống, đến khi thu hoạch, bà con bán toàn bộ số tôm, cua thu hoạch được cho chị. Do đa phần bà con nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh nên sản phẩm làm ra là nguồn nguyên liệu sạch. “Nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ với chị Loan mà 10 năm nay gia đình tôi không còn lo thiếu vốn sản xuất, đến vụ thu hoạch bán được giá cao không phải lo bị thương lái lạ ép giá nữa”, bà Phạm Thị Dung, ngụ ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa (An Minh) cho biết. Bà con bán được giá cao vì không phải qua nhiều khâu trung gian, còn chị Loan có được vùng nguyên liệu sạch để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vốn là khách hàng lâu năm của chị. Theo chị Loan, những năm gần đây, sản lượng tôm nuôi giảm đáng kể do những diễn biến bất thường của thời tiết nên việc thu mua tôm, cua của bà con vất vả hơn. Mỗi ngày vợ chồng chị phải trực tiếp đi thu mua tôm khắp nơi trong huyện. Chị Loan nói: “Nghề này của cha mẹ giao lại, nếu không mê chắc khó đeo tới giờ”.

Ngoài kết quả ấn tượng trong sản xuất, kinh doanh, chị Phạm Thị Loan còn tích cực trong các hoạt động từ thiện như hỗ trợ tiền xây dựng nhà cho hộ khó khăn, cùng chính quyền tặng gạo, tập sách cho học sinh, góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn… Từ năm 2006 đến 2016, chị được tỉnh, huyện tặng bằng khen về thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Tháng 10-2017, chị là nông dân duy nhất của Kiên Giang được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.

 

Ảnh : Chị Phạm Thị Loan, 47 tuổi, ngụ ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa (An Minh) cùng mẹ tự tay phân loại số tôm vừa thu mua của bà con trong xã.

BÍCH LINH