Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng mai
(08:38 | 30/01/2018)

 Những ngày cận Tết Nguyên đán, mới sáng sớm đã thấy ông Đỗ Minh Diễn (50 tuổi) có mặt tại vườn mai ở khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) để chăm sóc mai. Ông Diễn nói: “Một năm chỉ có 3 ngày tết, thắng thua là lúc này. Người trồng mai bỏ công chăm sóc cả năm nhưng chỉ cần thời tiết bất thường, mai nở sớm hoặc trễ một vài ngày là nhà vườn trắng tay vụ hoa tết”.

 

      Sau 2 năm đi lao động ở Đức, ông Đỗ Minh Diễn quyết định trở về Kiên Giang lập nghiệp với nghề thu mua hải sản. Công việc đang ăn nên làm ra thì ông phát hiện mình bị bệnh bướu thận, việc làm ăn phải tạm dừng vì những đợt hóa trị liên tục. Đang trong lúc buồn rầu, một hôm ông Diễn được một bà lão hàng xóm cho một gốc mai mọc cạnh bờ kênh đã bị đỗ ngã. Thấy dáng mai đẹp, ông mua chậu bỏ vào trồng. Mấy tháng sau, khi chợ hoa xuân tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá mở bán, ông Diễn đem gốc mai đến nhờ người quen bán dùm để lấy tiền thang thuốc. Nhờ gốc mai có dáng đẹp nên mới ra chợ hơn nửa ngày đã có người mua giá 1,2 triệu đồng, tương đương với 3 chỉ vàng lúc bấy giờ. “Từ gốc mai đầu tiên đó, tôi nghĩ sao mình không trồng mai bán vừa dễ kiếm tiền, vừa giúp đầu óc khuây khỏa bớt nghĩ về bệnh tật. Vậy là từ số tiền bán gốc mai đầu tiên, tôi bắt đầu tìm mua mai theo xóm rồi dần dà đi xa hơn để về chăm sóc, tạo dáng và bán lại”, ông Diễn kể.

Nhờ biết cách tạo dáng mai, lại hay tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nên vườn mai của ông Diễn càng được mở rộng và cho ông thu nhập cao. Năm 2003, thấy mai không thể phát triển tốt nếu sử dụng nguồn nước máy, ông Diễn mua đất ruộng ở khu phố Vĩnh Viên để lập vườn. Nhiều người thấy ông đắp mô trồng mai đều cho rằng sẽ không hiệu quả. Nhưng với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông Diễn vẫn quyết tâm làm, bởi ông biết việc đắp mô sẽ giúp đất giảm bớt độ phèn sau quá trình tưới, chăm bón, giúp cây mai sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, việc tận dụng nước phù sa tại kênh Rạch Chát 3 sẽ giúp mai phát triển tốt và tiết kiệm chi phí so với sử dụng nước máy như trước đây. Mát tay với nghề chăm sóc, tạo dáng mai, hiện vườn mai của ông Diễn có hơn 1.000 chậu mai, cây nào cũng xum xuê, tươi tốt, trong đó có hơn 10 gốc mai trị giá 30 triệu đồng/gốc, còn lại giá dao động từ 1-10 triệu đồng/gốc. Nhiều giống mai được ông quy tụ về đây như mai cúc, mai Phước - Lộc - Thọ, mai giảo, bạch mai… Đặc biệt, vườn mai của ông còn có nhiều giống mai không chỉ hoa nở nhiều cánh mà còn có mùi thơm độc đáo, được nhiều người ưa chuộng.

Ông Diễn cho biết, trồng và chăm sóc để mai trổ đúng dịp tết là cả một quá trình. “Chăm sóc mai không khó, chỉ cần khéo léo tỉa cành, tạo dáng, biết cách ngừa sâu bệnh cho mai và chăm bón sao cho mai ra hoa đúng dịp tết. Những gốc mai càng lâu năm thì giá trị càng cao và được người dùng ưa chuộng”, ông Diễn nói. Tết năm ngoái, ông Diễn chuẩn bị khoảng 500 gốc mai. Chỉ vài ngày, ông bán hết số mai này và thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu về hơn 100 triệu đồng từ nghề chăm sóc mai hộ và cung cấp dịch vụ cho thuê mai mỗi dịp tết đến. Nhưng chi phí bỏ ra cũng không phải là nhỏ. Hiện tại, tiền thuê thợ tạo dáng mai hay làm những việc thông thường như nhặt lá, chăm sóc… cũng ở mức 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể tới chi phí phân, thuốc, nước tưới cho vườn mai và vốn tái đầu tư gồm mua mai nguyên liệu, chậu trồng… mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Sau 20 năm gắn bó với nghề trồng mai, khi có ai đến hỏi về những kinh nghiệm chăm sóc mai, ông Đỗ Minh Diễn không giấu gì, kể cả những “tuyệt chiêu” xử lý mai nở sớm và cách ngừa sâu bệnh hại. Dự kiến khoảng ngày 15 tháng chạp, ông sẽ cho người lặt lá để kích cây mai ra hoa đúng vào dịp tết. Ông Diễn nói: “Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tôi đã chuẩn bị khoảng 400 chậu mai cung ứng cho thị trường. Hy vọng sẽ được một mùa hoa tết mua may bán đắt”.

Ảnh: Ông Đỗ Minh Diễn, chăm sóc vườn mai hơn 1.000 gốc tại khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá).

 

BÍCH LINH