Tái cơ cấu nông nghiệp huyện Giồng Riềng gắn với xây dựng nông thôn mới
(15:33 | 06/03/2018)

 Huyện Giồng Riềng xác định nông nghiệp là thế mạnh, cần tập trung định hướng phát triển toàn diện và bền vững; chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển các loại rau màu và nuôi thủy sản qua đó đã hình thành một số mô hình sản xuất có hiệu quả, liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của dân với doanh nghiệp, kinh tế tập thể được tăng cường củng cố và phát triển mới, vận dụng các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới”, đến nay đã có 11/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả nêu trên đã góp phần phát triển kinh tế của địa phương, từng bước cải thiện đời sống của người dân.

 

 Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn nhiều rũi ro, diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, chất lượng hoạt động của nhiều hợp tác xã chưa cao, chưa liên kết nhiều khâu sản xuất.

Việc tái cơ cấu nông nghiệp là tập trung xác định rõ hơn về lợi thế trong sản xuất lúa, gạo phục vụ xuất khẩu, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững về môi trường, khẩn trương ứng dụng các thành tựu nông nghiệp công nghệ cao vào phát triển sản xuất trên diện rộng. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu: Khắc phục được các mặt yếu kém trong sản xuất, tránh tình trạng phát triển tự phát, thiếu định hướng làm phá vỡ quy hoạch chung của huyện. Xác định ngành hàng, cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh của huyện. Xây dựng cơ cấu sản xuất, chuyển dịch theo yêu cầu tăng giá trị nông sản và sử dụng đất. Tạo sự thống nhất, liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ gắn với bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần rà soát quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất, xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường đầu ra; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, triển khai có hiệu quả các chính sách tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những nội dung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đó là việc phát triển các hợp tác xã (HTX). Đây cũng là một tiêu chí trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới. Huyện đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển. Tính đến nay trên địa bàn huyện có 114 HTX nông nghiệp; 665 THT. Tổng số hộ tham gia hợp tác là 35.638 hộ, diện tích trong bờ bao bơm tát tập thể là 42.754 ha, chiếm 91,7% diện tích sản xuất lúa.

Nhờ các giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ngày càng tăng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất tăng lên đáng kể. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo từng lĩnh vực cũng dần được hình thành, thực hiện sản xuất theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lượng hàng hoá ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện, dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp huyện Giồng Riềng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2017, UBND Tỉnh ra Quyết định công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 11/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hòa Hưng, Hòa Lợi, Hòa An, Ngọc Chúc, Thạnh Hưng, Thạnh Lộc, Hòa Thuận, Long Thạnh, Thạnh Bình, Thạnh Phước và Ngọc Thành). 7 xã còn lại đạt trung bình từ 15-16 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Trong thời gian tới, huyện Giồng Riềng tiếp tục xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và gắn kết chặt chẽ với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, huyện chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào các khâu, từ kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến… Từ đó giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững từ nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ chương trình nông thôn mới trên địa bàn.

Ảnh: Quang cảnh buổi lễ công nhận

Trần Khải