Mùa mía… đắng
(16:34 | 28/03/2018)

 Hiện giá mía nông dân bán tại ruộng chỉ còn 500-600 đồng/kg khiến người trồng thua lỗ, thậm chí một số nơi không có người mua, nhiều ruộng mía trổ trắng cờ vì không thuê được người thu hoạch.

 

 LỖ 15-20 TRIỆU ĐỒNG/HA

Là vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh với 4.026ha, đến nay, toàn huyện U Minh Thượng thu hoạch trên 80%. Những ngày này, đi dọc theo các tuyến đê bao của huyện U Minh Thượng, dễ dàng bắt gặp những ruộng mía đã quá kỳ thu hoạch đến mức trổ cờ trắng đồng. Nhiều nông dân như ngồi trên lửa vì từ đầu vụ thu hoạch đến nay giá mía nguyên liệu liên tục lao dốc, người trồng mía không có lời, thậm chí lỗ tiền thuê nhân công thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng), cho biết: “Do không có thương lái thu mua và hiếm nhân công nên mía đến tuổi thu hoạch vẫn còn nằm ì ngoài ruộng”. Trong khi đó, tại ngụ ấp Minh Tân, xã Minh Thuận (U Minh Thượng), nhiều nông dân cũng lao đao vì giá mía quá thấp. Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Năm nay năng suất mía đạt khá, nhưng giá mía lại giảm mạnh chỉ còn 500 - 600 đồng/kg. Giá mía xuống thấp trong khi giá nhân công tăng cao, thậm chí thu hoạch chia đôi nhưng vẫn không có người làm”.

Giá mía tại ruộng ở huyện Gò Quao cũng chỉ ở mức 500-600 đồng/kg. Huyện có 933ha mía, được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) bao tiêu 90%. Ông Lý Thường Kiệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã mía Hòa Phát, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, cho hay: “Hiện hợp tác xã có tổng diện tích mía khoảng 18ha, hầu hết đều làm thủ công nên chi phí sản xuất cao, từ 45-75 triệu đồng/ha tùy theo mô hình trồng mới hoặc lưu gốc. Đa số vụ mía này bà con đều huề hoặc lỗ, chỉ vài hộ cơ giới hóa mới có lãi chút ít”. Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, nếu tính từ năm 2015 đến nay, giá mía đã giảm từ 950 đồng/kg xuống còn 650 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho 1kg mía thành phẩm khoảng 720-750 đồng/kg, bình quân nông dân lỗ từ 12-15 triệu đồng/ha.

VÌ SAO MÍA RẺ?

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN ký kết năm 2009 giữa 10 nước ASEAN, từ năm 2018 trở đi, sản phẩm đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, mặc dù vẫn chịu thuế nhập khẩu 5%. Đây là một lợi thế cho những quốc gia có ngành công nghiệp mía đường phát triển như Thái Lan. Hiện lượng đường Thái Lan nhập vào thị trường Việt Nam tăng mạnh, với giá thấp hơn đường trong nước khoảng 1.000 đồng/kg. Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, tỉnh có 5.000ha mía, cung cấp nguyên liệu chính cho Casuco. Trung bình năng suất mía bình quân từ 80-100 tấn/ha, tuy nhiên, do chủ yếu sản xuất thủ công nên giá thành sản xuất là 750 đồng/kg, cao hơn Thái Lan 30%.

Một nguyên nhân khác khiến giá mía thấp là do chất lượng mía đạt thấp. Theo đồng chí Nguyễn Việt Trung - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, chính thói quen tái sử dụng gốc mía đã thu hoạch để trồng mùa vụ tiếp theo của người trồng mía đã dẫn đến mía có năng suất không cao, chữ đường thấp và giá bán rẻ. Vụ mía 2017-2018, Casuco bao tiêu gần 2.000ha mía toàn huyện U Minh Thượng. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó Giám đốc Casuco, nguyên nhân giá mía giảm mạnh ngoài yếu tố khách quan từ thị trường thì một yếu tố quan trọng là chất lượng mía. Thực tế, những loại mía có chữ đường cao (từ 9-10 chữ đường) luôn bán với giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với các loại mía có chữ đường thấp.

PHẢI THAY ĐỔI

Theo ông Lý Thường Kiệt, do giá mía bấp bênh nên từ năm 2015 đến nay, Hợp tác xã trồng mía Hòa Phát đã có 15ha đất trồng mía chuyển đổi sang trồng khóm, cây ăn trái các loại. Trong khi đó, một vài nông dân tìm cách cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất. “Vụ này nhờ sử dụng máy vô chân mía nên giúp tiết kiệm gần 7 triệu đồng/ha tiền thuê nhân công, đồng thời, giảm được chi phí làm cỏ. Cộng với sử dụng giống mới, bón phân đúng quy trình nên mía đạt chữ đường cao, trừ chi phí tôi lãi 25 triệu đồng/ha/năm. Nhưng máy vô chân mía giá 22 triệu đồng, hợp tác xã không đủ khả năng đầu tư”, ông Kiệt nói.

Năm 2017, huyện Gò Quao có 933ha mía, năm 2018 diện tích trồng mía còn 738ha, giảm 459ha so năm 2015. Theo đồng chí Lê Hữu Toàn, nguyên nhân diện tích mía giảm do giá mía xuống thấp, chi phí đầu tư cao, bà con chuyển đổi sang một số mô hình hiệu quả cao hơn như trồng tiêu, cây ăn trái… “Thời gian tới, huyện rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch diện tích mía, kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất mía tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc với diện tích ổn định 700ha vì đây là vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp trồng mía. Cùng với việc làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, quy trình kỹ thuật, tổ chức bao tiêu sản phẩm đảm bảo phân chia lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp”, đồng chí Lê Hữu Toàn cho biết.

Trước tình hình giá mía giảm mạnh như hiện nay, đồng chí Đỗ Minh Nhựt cho biết: “Giải pháp của tỉnh thời gian tới là triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm giá thành sản xuất cho cây mía; trong đó, nghiên cứu cải tạo giống mía, tăng cường sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, cơ giới hóa sản xuất… Đề nghị các huyện hàng năm rà soát, nơi nào không phù hợp thì khuyến khích người dân chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp với nhu cầu thị trường, những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp thì tiếp tục giữ vững diện tích, không vội trồng cây khác vì đầu tư cho chuyển đổi tốn nhiều chi phí. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp bao tiêu mía và nông dân trồng mía; tăng cường công tác chống đường nhập lậu”, đồng chí Đỗ Minh Nhựt nói.

Ảnh: Bà con nông dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) thu hoạch mía. 

Đặng Linh - Huỳnh Lài