Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục cả về nội dung và hình thức; tuyên truyền phổ biến kịp thời đến cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh: (1) Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; (2) Nghị quyết số 05 về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam; (3) Nghị quyết số 06 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Ảnh: Đại hội đại biểu Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Hướng dẫn công tác chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tập trung nâng cao chất lượng hội viên và phát triển hội viên đạt chỉ tiêu được giao trên cơ sở coi trọng chất lượng.
Thực hiện tốt ba phong trào thi đua lớn của Hội, trọng tâm là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; thực hiện các nội dung Đề án 03-ĐA/HNDTW, ngày 12/7/2020 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo.
Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; xây dựng đề án, kế hoạch Hội Nông dân các cấp tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025; gắn với thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số.
Ảnh: Người dân xã Tân An (Tân Hiệp) sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển vườn cây ăn trái.
Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chỉ đạo các huyện, thành phố quản lý tốt các nguồn vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác các Ngân hàng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp và đề xuất Tỉnh ủy sớm phê duyệt Đề án phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 - 2030. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ảnh: Lễ ra quân “Nâng cao năng lực truyền thông bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” năm 2022, trên địa bàn ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành.
Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên nông dân ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và dư luận xã hội của cán bộ, hội viên, nông dân tại các địa phương. Tăng cường phát hiện sớm tình hình, chủ động tham mưu và đề xuất các giải pháp nhằm định hướng và xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc của hội viên nông dân, góp phần ổn định tình hình tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân cơ sở.