Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng phát triển 8.995 hội viên, đạt 150% so nghị quyết, nâng tổng số hội viên toàn huyện 29.355 hội viên, đạt 80,9% so nghị quyết. Hội xây dựng được 16 chi hội nông dân nghề nghiệp, đạt 320% nghị quyết; 57 tổ Hội nghề nghiệp, đạt 139% nghị quyết với 1.012 hội viên nông dân tham gia. Bình quân mỗi năm, huyện có 11.000 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vận động, hỗ trợ giúp 193 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, đạt 193% nghị quyết, góp phần giảm hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 còn 1,81%, giảm 1,84% so năm 2018. Hiện huyện có 18 xã được công nhận nông thôn mới, trong đó có 2 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao. Huyện được công nhận huyện nông thôn mới năm 2021.
- Phóng viên: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng đã hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh ra sao, thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Thị Kiều: Cùng với nguồn vốn ủy thác của Trung ương và Hội Nông dân tỉnh, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Giồng Riềng hiện nay đạt trên 8 tỷ đồng, đã triển khai hỗ trợ cho 32 dự án với 345 hội viên, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, hai cấp Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 7.088 lượt hộ vay vốn, với tổng dư nợ hơn 176,6 tỷ đồng, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ảnh: Cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng) tham quan mô hình trồng dâu xiêm của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh.
Hàng năm, Hội còn phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư hơn 1 tỷ đồng thực hiện các dự án sản xuất như lúa an toàn, lúa hữu cơ gắn liên kết với ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cánh đồng lớn, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP... Huyện hiện có nhiều mô hình có hiệu quả như nuôi lươn, trồng tiêu, rau màu, cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, nuôi cá đồng trên ruộng lúa mùa nước nổi, nuôi ong, cá đồng trong rừng tràm… Hội đã hỗ trợ các chủ thể đề nghị tỉnh công nhận 8 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; phối hợp triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc sầu riêng và mít của xã Ngọc Hòa và đang chờ cấp giấy chứng nhận…
- Phóng viên: Để tiếp tục đưa công tác Hội và phong trào nông dân huyện Giồng Riềng phát triển trong nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ảnh: Đồng chí Lê Hồng Thắm (bên phải) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm mô hình nuôi lươn VietGAP cho nông dân huyện Giồng Riềng, đồng chí Huỳnh Thị Kiều - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng tiếp nhận.
- Đồng chí Huỳnh Thị Kiều: Với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, nhiệm kỳ 2023-2028, hai cấp Hội Nông dân huyện Giồng Riềng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Hội sẽ đẩy mạnh công tác triển khai, tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp; các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Song song đó, tiếp đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động Hội, hướng về cơ sở, địa bàn dân cư; đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp nông dân trên cơ sở xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, từng bước nâng lên thành tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng, củng cố các câu lạc bộ của nông dân nhằm tạo động lực tập hợp, thu hút hội viên gắn bó với tổ chức hội.
Hội sẽ tăng cường tập huấn, phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động hội viên, nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, mở các lớp đào tạo nghề cho nông dân; phối hợp, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như tích cực tìm đầu ra cho nông sản của nông dân.
- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!