Thực hiện nhóm các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ nguồn bố trí từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Kiên Giang có 8.721 khách hàng vay 872 tỷ đồng, dư nợ 863 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương, có 325 lao động được được vay hỗ trợ tạo việc làm 19,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao.
Về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1-1-2022 đến nay, doanh số giải ngân của tỉnh được hỗ trợ lãi suất 2.484 tỷ đồng với 79.695 món vay với lãi suất cho vay trên 6%/năm. Doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ thông qua ngân hàng thương mại đạt 952 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ đạt 3,673 tỷ đồng với 10 doanh nghiệp, 3 hộ kinh doanh.
Ảnh: Đồng chí Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đến 31-12-2022, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 114.062 tỷ đồng, tăng 17,1% so cuối năm 2021. Đến 30-11-2023, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 125.316 tỷ đồng, tăng 9,87% so cuối năm 2022. Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn. Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm, lãi suất huy động bằng VND giảm từ 0,7-2%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 0,5-2,7%/năm so với cuối năm 2022.
Theo đồng chí Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, kết quả giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó doanh nghiệp/khách hàng đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Có trường hợp khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất…
Ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thủy sản Trung Sơn, xã Dương Hòa (Kiên Lương).
Tại buổi giám sát, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang đề xuất Quốc hội xem xét triển khai thực hiện chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế; đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, từng bước đưa thị trường vốn trở thành cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, góp phần đắc lực trong việc huy động vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế…
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; theo dõi, giám sát các ngân hàng, từ đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ để ngành ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế mang tính ổn định, vững chắc hơn.