Cho đến nay, qua ba năm trải nghiệm và sơ kết mô hình đã được kết luận hiệu quả trên diện rộng tại các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Lương; với chi phí đầu tư thấp, thân thiện môi trường; tôm được nuôi mật độ thưa 1 con/1 mét vuông trong ruộng sau vụ lúa, nên có nguồn thức ăn vi sinh trong đất tự nhiên, ít dịch bệnh, không phải dùng kháng sinh trong đất tư nhiên. Môi trường nuôi tôm để lại nhiều dưỡng chất cho cây lúa và tiết kiệm được chi phí phân bón; hệ quả kéo theo là sản phẩm tăng độ hữu cơ, tạo môi trường sinh thái tốt cho vụ sau.
Với cách làm này, chất lượng hạt gạo và con tôm ngày càng đảm bảo chất lượng an toàn, có giá trị gia tăng hơn, tạo thu nhập tốt để bà con hội viên nông dân có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học trong trồng lúa, nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa cung cấp thị trường lớn.
Không chỉ dừng ở đó, Hội Nông dân tỉnh còn kết nối bà con hội viên nông dân qua chương trình “Nông dân dạy nông dân làm giàu”, nối kết doanh nghiệp cung cấp giống tôm đến từng địa phương cơ sở cùng ươm, thả giống 2 giai đoạn trên đất của người nuôi để chúng thật sự phù hợp giống với môi trường thả nuôi trước khi bà con hội viên quyết định mua giống.
Ảnh: Đồng chí Phan Kim Loan (giữa), Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình tôm sú trên ruộng luân canh lúa của nông dân xã Đông Hưng (An Minh).
Với chương trình “Nông dân dạy nông dân làm giàu”, mỗi tháng các thành viên trong ấp, tổ hợp tác ngồi lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm. Những người nuôi hiệu quả chỉ người bắt đầu nuôi hay đang nuôi còn lại về cách nhìn, đánh giá sức khỏe tôm và cách chăm sóc tôm sao cho khỏe mạnh, mau lớn đồng đều ít rủi ro. Thực tiễn cho thấy nhiều lớp “Nông dân dạy nông dân làm giàu” được đánh giá rất hiệu quả trong việc đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhận xét về vai trò của những giảng viên không giáo án này ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Nông dân dạy nông dân” đang cho thấy hiệu quả rõ rệt tại các huyện: An Biên, U Minh Thượng, An Minh và Kiên Lương; phát huy được sự gắn kết của những hộ cùng sản phẩm tôm - lúa để phát huy tiềm năng lao động ở địa phương. Người dạy và người học rất gần gũi, với phương pháp cầm tay chỉ việc đơn giản và sâu lắng, áp dụng thực hành ngay trong quá trình sản xuất tại đất càng giúp bà con hội viên tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Ảnh: Mô hình tôm-lúa của nông dân xã Nam Yên (An Biên).
Bằng cách “Nông dân dạy nông dân” để cùng nhau vươn lên làm ăn, khá hơn đến nay tại các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng bình quân 1 ha đất thả thưa 1con/1 một mét vuông, với 10.000 con giống tôm sú sau 3 tháng bà con hội viên có thu nhập lãi trung bình 30 triệu đồng/vụ.
Phần lớn hội viên nông dân thuộc vùng trọng điểm sản xuất tôm - lúa ở tỉnh nhà đều phấn khởi, đánh giá đó là mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thuận thiên vừa đem lại hai sản phẩm thân thiện, có giá trị kinh tế cao vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên, mang lại hiệu quả để ứng phó trước biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.