Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

HỘI NÔNG DÂN: Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao

(23:00 | 12/08/2024)

Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND, ngày 16/01/2024 thực hiện Quyết số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Hình thành 200.000 héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Ngày 07/8/2024, Hội Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất tổ chức Lễ ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại ấp Vạn Thanh, với tổng diện tích đất sản xuất hơn 90 héc-ta và có 19 hộ tham gia; ông Danh Em được Chi hội tín nhiệm bầu làm làm Chi hội trưởng; ông Huỳnh Hàng, làm Chi hội phó; ông Huỳnh Chung, làm Thư ký. Trong 19 hộ này, tất cả đều là hội viên nông dân người dân tộc Khmer và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Chi hội thực hiện theo “5 tự”: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Tại Lễ ra mắt, lãnh đạo Hội Nông dân xã đã thông qua Quyết định thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp. Chi hội cũng thông qua Quy chế hoạt động, các thành viên trong Chi hội hàng tháng tổ chức sinh hoạt định kỳ 01 lần/tháng, vào ngày mùng 1 hàng tháng (tùy tình hình thực tế và đặc điểm sản xuất kinh doanh có thể ấn định sinh hoạt định kỳ vào ngày khác), nếu có thay đổi thời gian sinh hoạt theo lịch này Chi hội trưởng, hoặc Chi hội phó sẽ thông báo đến từng hội viên. Nội dung sinh hoạt theo chủ đề do Chi hội trưởng, hoặc Chi hội phó dự kiến nội dung và theo đề xuất của đa số hội viên tham gia; cung cấp đầy đủ các thông tin, tọa đàm trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động của Chi hội theo kế hoạch và định hướng của Hội Nông dân cấp trên.

 

Ảnh: Quang cảnh Lễ ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp “Trồng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại ấp Vạn Thanh.

 

Đây là Chi hội, được Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo thành lập đầu tiên tham gia thực hiện Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Tham gia Chi hội, các thành viên có quyền lợi là được tham gia các hoạt động, các kỳ sinh hoạt của Chi hội; được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; được tạo điều kiện để giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài địa phương. Chi hội tạo sự đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống làm giàu chính đáng, nâng cao thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó Chi hội còn tập hợp nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên để phản ánh với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội Nông dân và các cơ quan có thẩm quyền về những chủ trương, chính sách, những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, góp phần tích cực trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Ảnh: Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (đứng), Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp.

 

Đầu năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia thực hiện Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao tại các huyện; gắn với tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp và phát hành 10 ngàn tờ bướm tuyên tuyền trong hội viên nông dân. Đồng thời, đã đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đầu tư xây dựng 8 mô hình điểm “Trồng lúa chất lượng cao” từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng cho 80 hộ nông dân sản xuất lúa tại các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp và Giang Thành. Qua công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình điểm, bước đầu đã nâng cao nhận thức của hội viên nông dân trong tỉnh đối với Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao.

Trong thời gian tới, để hội viên nông dân tích cực tham gia Đề án, bên cạnh công tác tuyên tuyền, vận động, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang sẽ tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh để hỗ trợ nông dân tham gia thực hiện Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; thành lập các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo sự đoàn kết, gắn trách nhiệm sản xuất, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống làm giàu chính đáng, nâng cao thu nhập và để nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Thái Văn Phúc-PCT TT HNDT Kiên Giang