Nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã hoàn toàn thay đổi, từ sự thụ động trông chờ vào chính quyền, coi xây dựng NTM là nhiệm vụ công của cán bộ Nhà nước thì nay nông dân đã chủ động, hăng hái tham gia, nâng dần vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM.
Thực tiễn công tác Hội đã xác định: phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang thương hiệu riêng của hoạt động Hội Nông dân. Kết quả thực hiện phong trào đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Các đồng chí: Lâm Minh Công (thứ hai, từ phải qua) - Bí thư Huyện ủy Châu Thành; Lê Quang Định (thứ hai, từ trái qua) - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành trao bằng công nhận xã Bình An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 cho lãnh đạo xã Bình An. Ảnh Đặng Linh.
Tính đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh có 111/116 xã đạt chuẩn NTM, có 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các huyện, thành phố: Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương và Hà Tiên được công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, huyện An Minh, Kiên Hải và Châu Thành trong tháng 6/2024 đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay toàn tỉnh có 257 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao; trong đó, 212 sản phẩm đạt 3 sao, 39 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 5 sao; có 135 chủ thể tham dự, trong đó, 33 chủ thể doanh nghiệp; 19 chủ thể hợp tác xã; 6 chủ thể tổ hợp tác; 77 chủ thể hộ kinh doanh; có 177 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thu nhập bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1.28.%.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP. Hà Tiên tham quan các sản phẩm được đánh giá. Ảnh Danh Thành.
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình phát triển có điểm khởi đầu, song không có điểm kết thúc. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cùng cả hệ thống chính trị, Hội Nông dân tỉnh đề xuất cần tập trung thực hiện đồng bộ bảy nhóm giải pháp, như sau:
Thứ nhất, phải tạo ra sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn xã hội, hệ thống chính trị và nhân dân cùng đồng hành xây dựng nông thôn mới. Vai trò chủ thể của nông dân và cộng đồng được phát huy ở mức cao nhất dựa trên guyên tắc “Nhân dân thực hiện, chính quyền đồng hành và hỗ trợ”.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động thông qua các phong trào, với nhiều hình thức lồng ghép đa dạng cho người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Lấy nội lực làm căn bản, tổ chức thực hiện với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân hưởng lợi và duy trì, phát triển thanh quả”.
Đồng chí Nguyễn Đức Chín (thứ ba, từ trái qua) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Tiên trao quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Thuận Yên. Ảnh Danh Thành.
Thứ ba, khai thông mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thiết yếu: cầu, đường, nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách... Có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thành các cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã. Chú trọng đầu tư cho các công trình phục vụ liên ấp nhằm trực tiếp cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP thông qua mạng lưới cửa hàng bán lẻ nông sản sạch an toàn gắn với cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng, xem đây là định hướng trọng tâm để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Thứ năm, thực hiện các giải pháp để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch các nguồn được giao, đặc biệt là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung phát triển các mô hình ấp, tổ dân cư xanh-sạch-đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các địa phương nhất là ở cơ sở.