Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức - sự kiện

Xem với cỡ chữAA

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang chủ trì

(01:12 | 14/11/2024)

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” được Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Cuộc thi, Hội thi được triển khai ở các cấp Hội và hội viên nông dân, đã khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động, sản xuất và đời sống của hội viên nông dân, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của cả nước có nhiều chuyển mình và đổi mới, việc thay đổi để phát triển phù hợp trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang. Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 03 Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với 60 dự án, đề án tham gia và 01 Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông” có 11 dự án tham gia, góp phần tạo động lực tinh thần đổi mới sáng tạo cho cán bộ, hội viên nông dân trong sản xuất, kinh doanh và vươn lên làm giàu chính đáng bằng tài nguyên bản địa của địa phương; các sản phẩm của Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã bán ra thị trường và thương mại hóa như: Son làm từ quả gấc; Trà mãng cầu xiêm… những sáng chế của nông dân tham gia dự thi được ứng dụng vào sản xuất hàng ngày như: xử lý nước thải chăn nuôi heo tại xã Ngọc Thành, huyện Giồng Riềng bằng bể USBF; hệ thống cung cấp oxy đáy ao vèo tôm giống, giúp giảm rủi ro cho hộ nuôi tôm quảng canh…

Đạt được những kết quả như trên là do sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, tạo điều kiện của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội thi, Cuộc thi do Hội Nông dân tỉnh chủ trì vẫn tồn tại không ít những khó khăn và hạn chế như sau:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” chưa thật sự đạt theo yêu cầu đề ra, còn một số Hội Nông dân huyện, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyên, làm hạn chế về số lượng, đối tượng, chất lượng tham gia. Công tác kiểm tra, rà soát và thẩm định các dự án, đề án tham gia chưa đạt dẫn đến mốt số đề án, dự án còn sơ sài chưa đảm bảo về nội dung và hình của một đề án, dự án tham gia dự thi.

 

Ảnh: Phần thuyết trình “Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu” của thí sinh tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

 

2. Việc ban hành các quy chế, thể lệ, thang điểm của Cuộc thi, Hội thi đôi lúc chưa cụ thể, chưa bám sát với thực tiển đang diễn ra. Kinh phí tổ chức Cuộc thi, Hội thi còn thấp, cơ cấu giải thưởng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Các chính sách, văn bản liên quan đến Cuộc thi, Hội thi chưa cụ thể và còn vận dụng một số văn bản liên quan để thực hiện.

3. Việc tham gia các Cuộc thi, Hội thi cần phải có thời gian, tài chính và kiến thức, trong khi các nhóm tham gia, đặc biệt là hội viên nông dân, là những người lao động chính trong gia đình ở nông thôn thường không có thời gian nhiều, thiếu về vốn, thiếu kiến thức trong viết đề án, phương pháp kỹ năng trình bày để thuyết phục được Ban giám khảo, mặc dù dự án, đề án tham gia khá thực tế và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

4. Các dự án, đề án tham gia Cuộc thi, Hội thi thiếu sự đầu tư, nuôi dưỡng và hoàn thiện sau khi kết thúc. Các đề án, dự án đạt giải cao, có hình thành ý tưởng tốt, nhưng chưa có nhà đầu tư hoặc chưa có kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện hoàn chỉnh ý tưởng, vì chưa có quy định cụ thể cho loại hình này. Bên cạnh, đó việc kêu gọi đầu tư cho các dự án, đề án để thực hiện các phần tiếp theo để hoàn chỉnh ý tưởng, dự án, đề án các nhà đầu chưa mạnh dạn vì các chủ dự án chưa thuyết phục và đảm bảo sự an toàn về vốn đầu tư.

 

Ảnh: Đ/c Đỗ Trần Thịnh (thứ 3 bên phải), Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xem các sản phẩm và tham trưng bày tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

 

5. Việc quảng bá hình ảnh các sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm của các Cuộc thi, Hội thi chưa nhiều nên việc nhân rộng chưa cao. Nhiều sáng kiến, phát minh không được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc khó phát triển trên diện rộng hoặc dễ bị sao chép.

Từ thực tế những khó khăn và hạn chế trong công tác tổ chức Cuộc thi, Hội thi do Hội Nông dân tỉnh chủ trì, đề xuất một số giải pháp nhằm tổ chức tốt, có hiệu quả, có nhiều sản phẩm khởi nghiệp thành công, có sáng kiến để phục vụ cho đời sống, sản xuất nông nghiệp như sau:

1. Nâng cao chất lượng ý tưởng dự thi bằng phương pháp tổ chức các buổi tập huấn trước Cuộc thi, Hội thi cho thí sinh để họ nắm bắt kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và khả năng thương mại hóa ý tưởng. Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn cá nhân cho các thí sinh, giúp họ hoàn thiện ý tưởng và chuẩn bị tốt hơn cho phần trình bày.

2. Tăng cường hỗ trợ sau Cuộc thi, Hội thi, vận động thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp: Hợp tác với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp để tạo ra Quỹ hỗ trợ cho các ý tưởng xuất sắc, giúp các thí sinh triển khai dự án sau Cuộc thi, Hội thi. Kết nối các thí sinh với các chuyên gia, doanh nhân để họ có thể nhận được sự hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ trong quá trình phát triển ý tưởng.

 

Ảnh: Đ/c Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao giải “Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu” tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

 

3. Cải thiện công tác quảng bá và truyền thông sử dụng đa dạng các kênh truyền thông, tận dụng các mạng xã hội, website, báo chí, và các phương tiện truyền thông địa phương để quảng bá cuộc thi rộng rãi hơn. Tổ chức các buổi hội thảo hoặc tọa đàm ở các vùng nông thôn để cung cấp thông tin về cuộc thi và khuyến khích cán bộ, hội viên nông dân tham gia.

4. Tạo nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật Hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để cung cấp kiến thức, công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật cho các thí sinh. Mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và khởi nghiệp tham gia đánh giá ý tưởng, từ đó đưa ra phản hồi và góp ý hữu ích cho các thí sinh.

5. Tổ chức đánh giá và phản hồi sau cuộc thi phản hồi từ thí sinh và người tham gia: Sau khi cuộc thi kết thúc, thu thập ý kiến từ thí sinh và người tham dự để đánh giá lại quy trình tổ chức và tìm kiếm các giải pháp cải thiện. Báo cáo tổng kết về kết quả và các bài học rút ra từ cuộc thi để làm căn cứ cho các lần tổ chức tiếp theo.

Th.s Hà Phi Hùng-PGĐ Trung tâm HTND & GDNN tỉnh