Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua tổng hợp số liệu của một số công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước cho thấy, sau khi chuyển đổi mô hình từ 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần thì nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty đều giữ ổn định và có tăng trưởng, tiền lương của người lao động có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, hầu hết công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước chưa xây dựng được chính sách tiền lương phù hợp với điều kiện cụ thể, gắn với năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hài hoà lợi ích của cổ đông, nhà nước và người lao động. Nhiều trường hợp lợi nhuận, năng suất lao động giảm nhưng tiền lương của người lao động và người quản lý vẫn tăng. Bên cạnh đó, các công ty thường quyết định tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người quản lý (trong đó có người đại diện vốn Nhà nước) quá cao, tạo sự bất hợp lý so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, chênh lệch quá mức so với người lao động trong nội bộ công ty, cũng như so với công ty nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay đang thiếu cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, trong khi phần lớn các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo lộ trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Khi đó cần phải có cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng riêng, phù hợp với mô hình công ty đa sở hữu vốn và để quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng của công ty gắn với năng suất lao động, nâng cao kết quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước và các cổ đông, thành viên góp vốn. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là rất cần thiết.
Quản lý tiền lương, tiền thưởng của người lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định gồm 4 mục, 11 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về nội dung quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý; trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty…
Về quản lý tiền lương, tiền thưởng của người lao động, dự thảo đề xuất quy định quản lý tiền lương, tiền thưởng của người lao động, trong đó quỹ tiền lương kế hoạch theo số lao động kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch dựa trên mức tiền lương trong hợp đồng lao động và điều chỉnh tăng thêm gắn với mức tăng năng suất lao động và lợi nhuận kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề; xác định quỹ tiền lương thực hiện căn cứ quỹ tiền lương kế hoạch và mức độ hoàn thành năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch; xác định quỹ khen thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận hằng năm sau khi thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, các thành viên góp vốn, không vượt quá 1 - 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện theo mức hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.