Định Hòa có dân số hơn 15.300 người, có hơn 63,6% là đồng bào dân tộc Khmer. Từ một xã có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế, xã hội còn rất khó khăn, nay nhân dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Minh chứng rõ nét nhất là đến nay đường về xã Định Hòa được đầu tư mở rộng, các tuyến đường liên xã được đổ nhựa, tráng bê-tông 100%; đường trục ấp được nâng cấp đạt chuẩn 100%; 100% đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Nhiều công trình như trạm y tế, trường học, nhà máy nước, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Định Hòa đạt 68,9 triệu đồng. Từ một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, thì nay xã Định Hòa có tỷ lệ hộ nghèo theo đa chiều toàn xã chỉ còn 3,07%.
Ông Danh Hiệp (64 tuổi), ngụ ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết, nhờ Nhà nước thực hiện ưu đãi nhiều chính sách nhưng điện, đường, trường, trạm, vốn ưu đãi…, từ đó đã “tiếp thêm động lực” giúp bà con vì vậy nỗ lực, cố gắn vươn lên. “Giao thông thuận lợi, thương lái vào tận đồng rộng múa lúa của dân với giá cao. Có tiền, bà con sắm sửa, cho con cháu học hành đàng hoàng. Giờ ở đây không thiếu thứ gì. Hễ bà con muốn gì thì cứ lên xe máy chạy chút là tới chợ có thể mua mọi thứ”, ông Hiệp thật thà.
Giao thông nông thôn liên ấp trên địa bàn xã Định Hòa.
Đầu tháng 4-2024 vừa qua, tại chùa Tà Mun, xã Định Hòa đã diễn ra cuộc họp với gần 200 hộ dân của 3 ấp Hòa Hớn, Hòa Út, Hòa Hiếu và Hòa Ấn do Ban quản trị chùa Tà Mun phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang và Ủy ban nhân dân xã Định Hòa tổ chức. Tại đây, đồng bào Khmer được cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang hướng dẫn cách phân biệt nào là rác thải hữu cơ, nào là rác vô cơ và cách phân loại rác tại nguồn; cách tái chế sử dụng rác vi sinh làm phân bón cho cây trồng. Đặc biệt, cũng tại đây, thông qua các vị đại đức, trụ trì chùa, chính quyền địa phương tuyên truyền cho đồng bào Khmer cùng thực hiện tiêu chí 17 tiêu chí về môi trường (theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025).
Theo Đại đức Danh Minh Tuấn, Trụ trì chùa Tà Mun, những năm qua, trình độ dân trí của đồng bào Khmer ở địa phương đã nâng lên nhiều, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường. “Qua sự kiện hôm nay, sư sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Từng gia đình phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt, không nguy hại, chất thải nhựa trên địa bàn phải được thu gom, tái chế, xử lý theo quy định”, Đại đức Danh Minh Tuấn cho hay.
Đồng bào dân tộc Khmer xã Định Hòa nghe cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang hướng dẫn bảo vệ môi trường.
Ông Võ Minh Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Hòa cho biết, từ kết quả xây dựng thành công xã nông thôn mới, hiện địa phương đang nỗ lực xây dựng các bộ tiêu chí để cuối năm 2024 đạt xã nông thôn mới nâng cao. Theo lãnh đạo xã Định Hòa, thực hiện quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 3/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025; đến cuối năm 2023, xã còn 9/19 tiêu chí gần đạt, như tiêu chí về giao thông, hộ nghèo, nước sạch, môi trường, văn hóa, đào tạo nghề… “Chúng tôi đang tranh thủ các nguồn lưc để nâng thu nhập của người dân từ 68,9 triệu đồng/người/năm lên 72 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo từ 3,07% xuống còn 2,5% vào cuối năm. Cái khó của địa phương là xuất phát điểm thấp, có đông đồng bào dân tộc Khmer, tuy nhiên không vì thế mà Ban quản lý các Chương trình mục tiêu Quốc gia của xã và Ban phát triển các ấp nản lòng. Tới đây, ngoài tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoại, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó tranh thủ uy tín của trụ trì của 5 chùa, các vị đại đức, à cha tuyên truyền thực hiện 15 phần việc của người dân”, ông Mạnh cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Minh Mạnh, năm 2024 xã được huyện chọn triển khai thực hiện chương trình Tết Quân-Dân năm 2025, do đó địa phương sẽ tranh thủ các nguồn lực, huy động đầu tư xã hội thực hiện các công trình, phần việc, an sinh xã hội chăm lo đời sống nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Những ngày này, đến các chùa Khmer trên địa bàn xã Định Hòa vào buổi chiều tà rất dễ dàng bắt gặp những nhóm người với các điệu múa truyền thống như Sa-ri-ka-keo, Sa-vông, rô-băm, áp-sa-ra, múa gáo… gấp rút luyện tập. Bà con cố gắn luyện tập để biểu diễn văn nghệ vào các dịp Tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer. Đó cũng là cách đồng bào Khmer giữ gìn nét đẹp truyền thống của cha ông để lại lưu truyền vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhất là năm nay, vựa lúa, trái cây của bà con trúng mùa, được giá, càng làm tăng thêm gấp bội niềm vui.
Box: Đến nay tỉnh Kiên Giang có 19/116 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Là tỉnh có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer, với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của đồng bào Khmer tăng hơn 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5-2%…