Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường còn có nhiều hạn chế, một số tập tục, thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh của đồng bào vẫn còn tồn tại. Thêm vào đó, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen trong cuộc sống của hội viên, nông dân; phát triển kinh tế chưa gắn kết với việc bảo vệ môi trường. Để góp phần nâng cao vai trò của Hội Nông dân về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh chủ động phối hợp với các Ban, ngành đã triển khai và tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả cụ thể.
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của chiến lược quốc gia về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung triển khai Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND ngày 13/5/2011 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015. Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường ký kết chương trình phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai… Phối hợp với Sở NN-PTNN ký kết chương trình phối hợp hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất nhằm hạn chế tối đa sự tác động gây ô nhiễm môi trường, trong đó thuốc bảo vệ thực vật là một nhóm đặc biệt có tác động lớn gây hại cho sinh vật sống.
Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đồng thời, đưa nội dung hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường vào nội dung công tác Hội, gắn các chỉ tiêu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hộ gia đình nông dân văn hóa, khóm, ấp, xã văn hóa với chỉ tiêu thi đua bảo vệ tài nguyên môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.
Hội các cấp còn tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các hoạt động như: Mít tinh, lễ phát động ngày môi trường. Kết quả, đã có 263 cuộc với 11.049 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia và treo 147 băng rôn tại cơ quan làm việc và nơi đông người qua lại. Tổ chức tuyên truyền, vận động tới hội viên, nông dân hưởng ứng các ngày như: Tuần lễ quốc gia nước sạch & Vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2014; chương trình “Làm cho thế giới sạch hơn” hàng năm theo từng chủ đề; Ngày môi trường thế giới 05/6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Ngày Nước thế giới 22/3...
Cho in và cấp phát trên 10.000 ấn phẩm, tài liệu các loại về Nước sạch- Vệ sinh môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân học tập, nghiên cứu và ứng dụng. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường, chống lại các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gắn với chương trình công tác Hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được phát động rộng rãi tới hội viên, nông dân cùng tham gia. Đồng thời, phong trào được gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, kinh doanh dịch vụ…. trong hệ thống tổ chức Hội và nông dân.
Đến năm 2015, đã có 139.138 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 70% so với hộ nông nghiệp. Trong đó, được công nhận 82.723 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 59,5% so với hộ đăng ký. Phong trào đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp, nông dân biết liên kết xây dựng mô hình kinh tế tập thể để phát triển sản xuất, thông qua các loại hình câu lạc bộ như: “Gia đình nông dân phát triển bền vững”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, IPM, khuyến nông, khuyến ngư.
Hơn thế nữa, hội viên, nông dân cũng đã biết tận dụng đất đai nguồn nước, biết chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thật, công nghệ vào sản xuất, Chương trình 3 giảm, 3 tăng, chọn những giải pháp nhằm ổn định cuộc sống để phát huy hiệu quả kinh tế đạt được ngày càng cao.
Trong sản xuất, nông dân thực hiện đúng quy trình, sản xuất theo quy hoạch, gắn với việc bảo vệ môi trường; biết nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nâng cao trình độ sản xuất như thế nào là hiệu quả và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng diện tích canh tác, chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường.
Hàng năm Hội Nông dân chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan khoa học tổ chức được trên 100 lớp tập huấn cho gần 7.500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức được 55 lớp tập huấn cho hơn 3.850 lượt cán bộ, hội viên, nông dân nhằm trang bị kiến thức về Nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn và Bảo vệ tài nguyên môi trường.
Năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp Sở TN & MT tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho 280 cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Sóc Trăng về "Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng". Sau thời gian tập huấn, các học viên được truyền đạt những nội dung kiến thức về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu; kịch bản biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Sóc Trăng; giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những việc làm này đã góp phần quan trọng trong vấn đề nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân đối với việc chủ động sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và nước biển dâng; nhận thức được môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người ra sao. Từ đó, thấy được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng dụng vào mô hình của gia đình mình.
Được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Hội cấp trên cùng với các ngành chức năng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ký kết và triển khai thực hiện nhiều chương trình phối hợp như: Với Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động TB-XH, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & PTNT, nhằm phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường nông thôn.
Hội đã triển khai xây dựng được một số mô hình điểm để chỉ đạo và nhân rộng như: Dự án “Nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân”; Hội Nông dân tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình “ba giảm, ba tăng”; Chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp”…
Sau 3 năm thực hiện, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng với ngành chức năng đã xây dựng được 22 công trình cấp nước sạch. Trong đó, có 13 công trình tập trung và 9 công trình nối mạng ở 7 huyện, thành phố. Xây dựng được 56 nhà tiêu, tiểu hợp vệ sinh, phát động hội viên, nông dân tham gia làm vệ sinh, tu sửa công trình cấp nước, thu gom xử lý chất thải, rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, có 54 cuộc phát động với 3.028 lượt hội viên nông dân tham gia hưởng ứng.
Xây dựng được 03 hố tiêu hủy rác tại 3 phường thuộc thành phố Sóc Trăng với kinh phí trên 6 triệu đồng. Nạo vét và khơi thông 12.500m kênh, cống rãnh thoát nước trong các khu dân cư, hướng dẫn các biện pháp xử lý, trữ nước, sử dụng các công trình cấp nước hiệu quả và bền vững. Tích cực tham gia phối hợp với các Sở, Ban ngành và trường học trồng mới được 15.000 cây xanh với 512 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia.
Phối hợp với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai mô hình 3 giảm 3 tăng ở trên 200 điểm trong tỉnh với diện tích 10.000 ha; mô hình trồng rau an toàn 188 điểm với diện tích trên 28 ha; xây dựng hàng trăm lớp IPM trên cây lúa, trên cây ăn trái… Góp phần thực hiện một số tiêu chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Cùng với Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở TN & MT cùng các ngành chức năng xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi xanh - sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng rau quả theo quy trình VietGap; lắp đặt túi ủ biogas trong chăn nuôi heo, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn Gap (nuôi thủy sản sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm).
Các cấp Hội Nông dân đã rất năng động, sáng tạo trong việc tranh thủ huy động được nhiều nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình bảo vệ môi trường nông thôn như: Mô hình: "Ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ"; mô hình "Ứng dụng phân hữu cơ tự sản xuất tại nông hộ (có chủng nấm Trichoderma) trên cây dưa leo" tại 22 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới nhằm hướng dẫn hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả đem lại, hiện đã nhân rộng các mô hình này cho các xã còn lại trong tỉnh.
Có được những kết quả như trên là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo về Bảo vệ tài nguyên & môi trường của tỉnh được tăng cường. Rất nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về Bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tuyên truyền sâu rộng đến các cấp Hội Nông dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cư dân nông thôn.
Ngọc Chinh