Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Nuôi ốc bươu đen – nghề làm chơi ăn thiệt

(15:29 | 24/09/2021)

Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào nuôi ốc bươu đen tại Kiên Giang đã trở thành nghề làm chơi ăn thiệt bởi chỉ cần tận dụng ao mương trong vườn cây trái hoặc chuồng trại bỏ trống, người nuôi đã có thể kiếm tiền triệu mỗi tháng trong khi vốn đầu tư và công chăm sóc bỏ ra rất ít.

Nhờ sự chỉ đường tận tình của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm gặp nhà anh Danh Kiệt, một địa chỉ chuyên cung cấp con giống ốc bươu tại khu phố Hồng Hạnh, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Đưa chúng tôi tham quan bể ương ốc bươu giống được anh tận dụng từ chuồng nuôi heo bỏ trống sau dịch bệnh, anh Kiệt nói: “Ốc bươu mùa nắng đẻ trứng nhiều, hiện trứng ốc tôi bán cho bà con đem về tự ấp có giá 1 triệu đồng/kg (khoảng 60-70 trứng) nhưng không có đủ để bán”. Chắc tay với nghề cho ốc sinh sản, anh Kiệt không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với bà con đến học hỏi. Theo anh Kiệt, ốc bươu đẻ quanh năm. Sau khi trứng nở, vỏ của ốc con cứng dần và tự bò xuống nước kiếm các chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần. Để tỷ lệ ốc con nở đạt cao, cứ mỗi sáng sớm anh thu trứng ốc đẻ ngoài ao rồi cho vào thùng xốp được tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên ấp. Sau không ít thất bại, cuối cùng anh Kiệt cũng thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn.

Anh Kiệt nói: “Để ốc con sinh trưởng tốt đòi hỏi nguồn nước cấp vào ao phải nuôi ốc phải được khử khuẩn bằng dung dịch hữu cơ gây màu nước nhằm tránh các loài sinh vật gây hại cho ốc. Ốc đẻ trứng ven bờ cỏ dọc các mương nên đợi trứng vừa cứng vỏ là nhặt vô liền để tranh kiến hoặc chuột ăn”. Sở hữu 1,5 công đất ruộng nhưng cứ thiếu trước hụt sau vì ruộng gần vườn tạp, chuột cắn phá lúa liên tục. Quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình, anh Kiệt chuyển đổi đất ruộng, lập vườn trồng xoài và cà na Thái, dưới mương anh thả ốc bươu nhằm lấy ngắn nuôi dài từ năm 2019.

 

Ảnh: Anh Danh Kiệt (giữa), ngụ khu phố Hồng Hạnh bên số trứng ốc bươu đang được ấp.

 

Tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành (Tân Hiệp), cũng có một mô hình nuôi ốc bươu đen đang cho hiệu quả đó là môt hình của ông Nguyễn Quang Thiện. Một lần tình cờ lên Đồng Tháp tham quan mô hình nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, ông nhận thấy có mô hình nuôi ốc bươu đen dễ nuôi, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nhất là tận dụng được điều kiện tự nhiên sẵn có của gia đình là có ao cá và vườn cây. Vậy là ông Thiện liền học hỏi kinh nghiệm của người nuôi đi trước trên các phương tiện truyền thông.

Tính ham học hỏi, lại dám nghĩ dám làm, ông Thiện quyết định đầu tư nuôi ốc bươu đen với 500 gram trứng ốc được mua với giá 3 triệu đồng về tự ấp trong thùng xốp cho nở con. Ốc được nuôi lớn khoảng đầu ngón tay được thả ra vèo nuôi cho đến khi lớn bán được. Với diện tích vèo 33m2, ông Thiện thả khoảng 13.000 con. Sau 4 tháng nuôi ốc bắt đầu thu hoạch, lúc này trọng lượng ốc khoảng 30 con/kg, với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg ông Thiện thu về hơn 21 triệu đồng.

 

Ảnh: Ốc bươu vừa nở được vài ngày.

 

 Nói về chi phí nuôi ban đầu, ông Thiện cho biết: “Ốc bươu nuôi ít vốn, đầu tiên bỏ ra khoảng 5 triệu đồng, trong đó tiền mua trứng giống 3 triệu đồng, tiền làm vèo nuôi 1 triệu đồng, chi phí khác 1 triệu đồng. Thức ăn cho ốc rất dễ kiếm do ốc ăn tạp, chủ yếu là các loại rau xanh như bèo cám, lục bình, lá khoai mì, rau lang, rau muống, trái mướp già, trái ổi, trái mận chín… nên có thể tận dụng thức ăn sẵn có trong vườn nhà”. Hiện nay ông đang thu vớt trứng để ấp lấy con giống để tiếp tục nuôi lứa khác.

Việt An-Báo Kiên Giang