Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nhà nông cần biết

Xem với cỡ chữAA

Nghề bó chổi cọng dừa ở ấp Năm Chiến vào dịp Tết

(09:52 | 18/01/2023)

Ấp Năm Chiến,Bàn Tân Định (huyện Giồng Riềng), cách trung tâm xã khoảng 2km, ấp có 436 hộ dân sinh sống. Đời sống một bộ phận người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do thu nhập chủ yếu từ trồng lúa, rau màu, dừa và làm thuê. Nhờ biết phát huy nghề truyền thống và nguồn nguyên liệu sẵn có mà đời sống hội viên nông dân nơi đây được cải rõ rệt.

Thời gian trước, nghề bó chổi từ cọng dừa ở ấp Năm Chiến được duy trì ở một số gia đình hội viên nông dân, số lượng chổi bán ra ít nên chưa thu hút được khách hàng về đặt mua số lượng lớn, từ đó thu nhập từ nghề bó chổi không đáng kể.

Thời gian qua, một số chị em hội viên nông dân trong ấp đã biết liên kết cùng nhau, tận dụng các tàu dừa có sẳn trong vườn nhà để bó chổi. Nhờ chị em biết bàn bạc thống nhất với nhau trong từng khâu chuẩn bị nguyên liệu, bó và tạo hình một cây chổi hoàn chỉnh đẹp và bền, chắc nên số lượng chổi làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn, khách hàng từ nhiều nơi về mua tăng dần. Có khách hàng mua về sử dụng nhưng cũng có người mua đi bán lại…

Nguyên liệu làm chổi dể kiếm chủ yếu là nang tàu dừa có sẳn tại đại phương, chỉ cần bỏ công vót bỏ lá, lấy cọng về phơi nắng là có thể sử dụng bó chổi. Chi phí sử dụng mua nguyên liệu buộc chổi chưa đến 10 ngàn đồng/cây. Thường chổi thành phẩm chổi lớn sẽ có giá là 35 ngàn đồng/cây bán lẻ, nếu giao sỉ thì 30 ngàn/cây, chổi nhỏ thì 20 ngàn/cây. Một ngày mỗi chị có thể bó tầm 10-14 cây chổi lớn là khi hút hàng, chổi nhỏ thì làm nhanh hơn một ngày có thể 40 cây, trừ chi phí mỗi chị thu nhập 250-350 ngàn đồng/ngày.

 

Ảnh: Các chị em hội viên nông dân trong ấp đang bó chổi tại nhà Nguyễn Thị Hồng Nga.

 

Vào những ngày cuối năm 2022, đến nhà chị Nguyễn Thị Hồng Nga, sinh năm 1974 ấp Năm Chiến, không khí nhộn nhịp, ồn ào và phấn khởi hơn những ngày thường. Chị Nga cho biết vào dịp Tết nguyên đán sắp tới nhu cầu sử dụng chổi tăng nên chị em trong ấp tranh thủ những ngày không đi dậm lúa sẽ bó thêm chổi để tăng thu nhập.

Cũng theo chị Nga cho biết bó chổi là do yêu thích nghề truyền thống do ông bà để lại, lúc đầu chị học được kỷ thuật bó chổi từ người bà con. Sau này khi rảnh thì chị bó đem bán trong xóm, hoặc có xe dưới chợ lên đặt thì bó bán và chị còn dạy nghề lại cho những chị em khác. Từ lâu thu nhập từ nghề bó chổi đã trở thành một phần thu nhập của gia đình chị, giúp chị có thêm chi phí lo cho gia đình đầy đủ hơn trước.

 

Ảnh: Các chị em hội viên nông dân trong ấp đang bó chổi tại nhà Nguyễn Thị Hồng Nga.

 

Gần đây do thực hiện bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp vùng đất, nhiều hộ dân trong ấp đã chuyển sang trồng cây ăn quả, rau màu hoặc lao động làm thuê. Một phần do chị em làm tự phát, phần nhiều hộ nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, sản xuất theo hình thức “mua đứt, bán đoạn” nên việc bó chổi chỉ làm trong thời gian nhàn rổi khi hết việc làm thuê ngoài đồng án.

Hiện ở ấp Năm Chiến có khoảng 20 chị hội viên nông dân biết bó chổi cọng dừa. Để duy trì nghề bó chổi truyền thống, một mặt tạo điều kiện cho chị em hội viên nông dân trong ấp yên tâm phát triển nghề. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tích cực hỗ trợ cho các hội viên thông qua các chương trình cho vay với lãi suất thấp từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như tranh thủ các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, để giúp hội viên chủ động được nguồn vốn. Đồng thời mở các lớp dạy nghề bó chổi để nghề bó chổi cọng dừa truyền thống tại ấp Năm Chiến sẽ được duy trì, mở rộng quy mô, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa bàn xã còn nhiều khó khăn này…

Diễm Kiều, HND Bàn Tân Định (GR)