Là một trong những huyện có tổng đàn heo dẫn đầu tỉnh, hiện huyện Tân Hiệp có khoảng 53.000 con heo, giảm gần 20.000 con so với thời điểm trước dịch tả heo châu Phi bùng phát năm 2019. Ông Đặng Văn Rang, ngụ xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) cho biết: “Tình trạng heo chết vẫn còn diễn ra ở nông hộ trên địa bàn huyện. Đề nghị ngành chuyên môn các cấp sớm triển khai vaccine ngừa tả lợn châu Phi để người dân chăn nuôi an toàn”.
Theo đồng chí Hà Nguyễn Duy - Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp cho biết: “Hiện vaccine ngừa tả heo châu Phi chưa được tiêm đại trà. Tuy nhiên, hộ nuôi heo có thể tự mua được trên thị trường để phòng bệnh cho đàn heo với giá 500.000 đồng/lọ có thể tiêm được cho 10 con. Lưu ý bà con cần chọn cong giống có nguồn gốc rõ ràng, chuồng nuôi có màng che không để ruồi, muỗi, chuột vào chuồng làm lây lan mầm bệnh. Đặc biệt, không nên tái đàn khi địa phương có dịch bệnh xảy ra”.
Ông Đặng Văn Rang, ngụ xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) đặt câu hỏi với chuyên gia.
Kiên Giang là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích trồng lúa hơn 700.000ha/năm, nhiều năm liền là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước với sản lượng lúa từ 4,4-4,5 triệu tấn/năm, riêng huyện Tân Hiệp đóng góp hơn 680.000 tấn lúa/năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nông dân.
Giải đáp thắc mắc của ông Phạm Xuân Thủy, ngụ xã Tân An (Tân Hiệp) nhờ các chuyên gia tư vấn giải pháp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Minh Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp Đại học Cần Thơ khẳng định: “Đốt rơm là đốt tiền vì trong rơm rạ có dinh dưỡng. Tình trạng đốt rơm rạ không chỉ làm mất đi nguồn dinh dưỡng mà còn làm chết một số vi sinh vật có lợi trong đất. Khi rơm rạ sau thu hoạch được xử ký tốt sẽ giúp đất tơi xốp, giúp cây lúa phát triển, giữ được vi sinh vật có lợi trong đất”.
Bà Hoàng Thị Xuân Trường, ngụ xã Tân An (Tân Hiệp) đặt hàng bác sĩ nông học cách xử lý lúa ma trên ruộng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Minh Khôi, việc đốt bỏ rơm rạ không những gây hại đến môi trường mà còn làm lãng phí nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho đất, cây trồng. Chính vì thế, khuyến khích bà con nên xử lý chúng bằng chế phẩm trichoderma. Nấm trichoderma có khả năng phân giải cellulose nên được áp dụng trong xử lý các chất hữu cơ như phân chuồng, rơm rạ, bã xác thực vật… Chúng có tác dụng làm cho quá trình ủ phân diễn ra nhanh hơn, có thể ủ rơm rạ trên đồng ruộng hoặc ủ rơm rạ tại các địa điểm như ủ phân chuồng.
Trả lời câu hỏi của nông dân về cách trị bệnh sâu đục thân trên cây xoài, cây sa pô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Toàn - Khoa Bảo vệ thực vật Trường Nông nghiệp Đại học Cần Thơ thông tin: “Giải pháp an toàn và tối ưu trong việc phòng trừ sâu đục thân trên cây trồng là sử dụng sản phẩm sinh học chứa vi khuẩn có khả năng sản sinh ra các độc tố khi sâu đục thân ăn vào qua đường miệng. Các độc tố này sẽ phá hủy hệ thống tiêu hóa của sâu, làm chúng bỏ ăn và chết sau 2-3 ngày. Bên cạnh đó, sản phẩm còn chứa nấm xanh, nấm trắng có tác dụng ký sinh, lây nhiễm, gây bệnh và tiêu diệt hiệu quả các loại sâu, côn trùng gây hại khác trên cây.