Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên.
Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động, … Thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và nông dân hiện chiếm khoảng 70% dân số cả nước, sản lượng rất lớn hàng hóa nông nghiệp được sản xuất và mong muốn vươn ra thế giới, khi tham giaTPP sẽ có nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với phát triển thương mại, kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng và chủ thể cơ bản của TPP là những người Nông dân.
Nông nghiệp cũng như nông dân Việt Nam, khi tham gia TPP sẽ có những Cơ hội như: Nông nghiệp hiện đại với ứng dụng công nghệ cao sẽ được trao đổi giữa các nước thành viên tham giaTPP, qua đó thấy được mặt yếu kém của nền nông nghiệp nước nhà để hoàn thiện hơn, từ đó xu hướng chuyển đổi từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, quy trình lạc hậu, năng suất thấp, thành trang trại, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hay cánh đồng lớn, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, ... tất cả bước đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến. Đặc biệt hơn, TPP sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam, phát huy được các ngành hàng có lợi thế so sánh ở các thị trường của các quốc gia thành viên.
Đối với Nông dân, khi Việt Nam tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho nông dân, gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất và sản xuất theo chuỗi giá trị. Sẽ tác động dần vào ý thức của người nông dân, thay đổi cách nghỉ, cách làm, họ sẽ hiểu, để nâng cao năng lực cạnh tranh, để sản xuất nông nghiệp phát triển và bền vững, đòi hỏi một quá trình hợp tác, liên kết chặt chẽ, có khoa học công nghệ hỗ trợ, quy trình rõ ràng. Hàng hóa ra thế giới hay tại nội địa, phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhất là phải có thương hiệu, đăng ký bản quyền sản xuất, kinh doanh. TPP là cơ hội để nông dân Việt Nam hợp tác và phát triển toàn diện, nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, là cơ hội thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam và là cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như thủy sản, đồ gỗ và nông sản hàng hóa.
Khi tham gia TPP, nông nghiệp cũng như nông dân Việt Nam, có thể hướng tới các giá trị chưa được phát huy tốt, như việc bảo quản và đảm bảo chất lượng nông sản, hạn chế việc thương lái ép giá; Quá trình sản xuất, tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, sẽ tạo tính kích thích để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các Hợp tác xã vào cuộc, bởi đây là các tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp lý, ký kết để tham gia xuất khẩu.
Mặc khác TPP cũng mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng công nghệ mới cho người nông dân, tạo khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, TPP không chỉ đem lại cơ hội mà còn đem lại rất nhiều thách thức cho Nông nghiệp cũng như Nông dân Việt Nam trong thời gian tới.
Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu, rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP, đặt ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế nước ta nói chung và nền nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là khi mở cửa thị trường, những mặt hàng nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, vấn đề cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam cũng vô cùng gay gắt, vốn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập, liên kết chưa chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, ... TPP có thể gây ra tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Thêm vào đó, tư duy của nông dân chậm đổi mới, sản xuất theo hình thức tự phát, manh mún, lạc hậu, thiếu quy hoạch tổng thể, dẫn tới hàng hóa nông sản dư thừa, không quan tâm đến thương hiệu, chất lượng và ứng dụng khoa học công nghệ, ... cũng sẽ là rào cản rất lớn. Mặc khác, nông dân là nhóm đối tượng hạn chế trong việc tiếp xúc các thông tin, do đó việc hướng nông dân vào quỹ đạo TPP là hết sức khó khăn. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị tốt, thì Nông nghiệp cũng như Nông dân Việt Nam, chẳng những không tận dụng được cơ hội, mà còn có khả năng, không những không phát triển và phát huy được lợi thế, mà có nguy cơ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, bởi khu vực này vẫn tạo công ăn việc làm chủ yếu cho người nông dân.
Vì vậy có thể hiểu, TPP sẽ mang nhiều cơ hội để nông dân các nước nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng, tăng tính cạnh tranh trong sản xuất nông sản. Nông sản của họ tạo ra, cũng có cơ hội được xuất sang các nước nhiều hơn, nhưng ngược lại, nông sản của các nước khác trong khối cũng sẽ nhập khẩu vào ồ ạt hơn. Để tồn tại, Nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia TPP, bởi chỉ có cách phải cạnh tranh, mà để cạnh tranh được, thì nông dân Việt Nam phải có sản phẩm hơn hẳn các nước khác về chất lượng, thương hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm, ... Nếu không làm được điều đó, nông sản nội địa không chỉ thua khi xuất khẩu sang thị trường nước khác, mà còn bị thua tại sân nhà !.
Để hỗ trợ nông dân tăng khả năng cạnh tranh, Hội nông dân các cấp phải chủ động khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân bằng nhiều giải pháp thiết thực:
- Trước tiên, phải tăng cường công tác tuyên truyền, làm cho nông dân hiểu thế nào là TPP, cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia TPP.
- Phải nâng cao nhận thức, làm thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh của nông dân. Giúp đở, hướng dẫn nông dân để phát triển các hình thức hợp tác. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Tuyên truyền, vận động để Nông dân hiểu, thay vì sản xuất lấy số lượng, chuyển sang chú trọng chất lượng, hiệu quả và lợi nhuận; Thay vì sản xuất đại trà, theo cảm tính chuyển sang sản xuất gắn với thị trường, liên doanh, liên kết hợp tác, tiêu thụ theo hợp đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Thuyết phục để Nông dân hiểu, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, con đường tất yếu của nông dân là liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
- Trụ cột để Hội Nông dân các cấp bám chặt, vận động, tuyên truyền làm thay đổi từ nhận thức đến hành vi, đó là lực lượng Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, họ như là lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất kinh doanh, những chiến sĩ kiên cường tay lấm, chân bùn một lần nữa, làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên thương trường quốc tế.
- Hội Nông dân chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tổ chức hiệu quả hơn nữa, các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ....
Hội Nông dân các cấp, phải là cầu nối liên kết giữa nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, có chính kiến đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân trong quan hệ hợp đồng. Cùng đó, mở rộng các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hỗ trợ, đưa nông dân sản xuất giỏi đi học tập kỹ thuật, giao lưu trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước./.