Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông dân SX giỏi

Xem với cỡ chữAA

QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN TỈNH: Đầu tư nguồn vốn gắn với hưởng ứng thực hiện Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao

(01:23 | 27/03/2024)

Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh dành một phần nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư các mô hình Trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nhằm thúc đẩy hưởng ứng thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Đề án này được cho là sẽ thay đổi tư duy, gắn sản xuất lúa gạo với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày một gay gắt. Hưởng ứng thực hiện Đề án này, người nông dân chúng ta sẽ chung tay với Chính phủ thực hiện cam kết với cộng đồng thế giới sẽ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

Đối với tỉnh Kiên Giang, định hướng tới sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo đó, tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 200.000ha và có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng đạt trên 50%.

 

Ảnh: Đại biểu tham dự Lễ giải ngân dự án Trồng lúa chất lượng cao xã Tân Hòa - Tân Hiệp.

 

Đối với Hội Nông dân tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh được hình thành từ 04 nguồn: nhận ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhà nước, vận động ủng hộ, cấp và phần vốn bổ sung kết quả hoạt động của Quỹ. Thời gian qua nhờ có được những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp mà Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt những kết quả vượt bậc cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt trên 50 tỷ đồng đầu tư 298 dự án với 2.130 hộ vay, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng; cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển các hình kinh tế tập thể ở nông thôn; ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến và công nghệ kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt vào sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ vì mục tiêu năng suất cao, chất lượng an toàn và hiệu quả cao. Qua đó, tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân vào chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.

 

Ảnh:  Đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao thẻ ATM giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho 10 hộ tham gia dự án Trồng lúa chất lượng cao xã Sơn Kiên - Hòn Đất.

 

Hưởng ứng thực hiện Đề án, việc đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình Trồng lúa chất lượng cao bình quân từ 300-500 triệu đồng/dự án sẽ giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng góp vào tăng trưởng xanh, hướng tới tăng thu nhập, thúc đẩy phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh danh giỏi địa phương, đồng thời qua đó tuyên truyền hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia Đề án, góp phần xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, chung tay với Chính phủ thực hiện cam kết với cộng đồng thế giới sẽ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

 

Ảnh: đồng chí Lâm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Lễ giải ngân dự án “Trồng lúa chất lượng cao” xã Tân Hòa - Tân Hiệp.

 

Tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Kiên Giang sẽ rất thuận lợi do có diện tích sản xuất lúa lớn; nông dân hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng giống. Bên cạnh đó, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào chuỗi liên kết cũng là một lợi thế của tỉnh trong triển khai Đề án. Tuy nhiên, có một số tiêu chí của Đề án khá cao, để thực hiện được, người làm lúa phải chấp nhận có sự thay đổi về nhận thức và canh tác, như Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan đã nói: “có thể khó khăn khi thay đổi, nhưng nếu chúng ta không thay đổi sẽ nảy sinh nhiều khó khăn hơn”. Do đó, Hội Nông dân các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí của Đề án và quy trình “1 phải 5 giảm”; quan tâm phối hợp tổ chức tập huấn để nông dân thực hiện tốt yêu cầu, tiêu chí của Đề án, đảm bảo giảm phát thải cacbon; tập trung vào giá trị tăng thêm cho hạt gạo Việt Nam thông qua việc thực hiện Đề án.

Thanh Bình-Quỹ HTND tỉnh