Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông dân SX giỏi

Xem với cỡ chữAA

Người tự tạo giống bưởi mang tên mình

(15:20 | 14/07/2015)

 Được sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Ngân – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Văn Lâm, Hưng Yên, chúng tôi tìm đến nhà ông Đào Minh Chuyên (thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), người đã lai tạo thành công ra giống bưởi mới mang tên ông, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Chuyên kể chuyện về đời mình: “Sinh năm 1967, tuổi Đinh Mùi nhưng số tôi không hề nhàn nhã, bao phen lao đao tưởng “chết hẳn”, đến bây giờ cũng còn nhiều vất vả lắm”.
Đứng dậy sau cú sốc mất gần 100 cây vàng
Năm 19 tuổi, ông Chuyên đi bộ đôi, sau 4 năm rèn luyện trong quân ngũ đến năm 1990 ông trở về quê hương. Vốn nuôi hoài bão làm giàu,sau khi cưới vợ, ông quyết chí đi buôn. “Hưng Yên nổi tiếng với nhãn lồng, tận dụng thế mạnh địa phương vợ chông tôi đi buôn nhãn. Nhờ có duyên buôn bán nên việc làm ăn ngày càng thuận lợi, tiền thu về ngày một nhiều. Tích cóp được 1 khoản kha khá, tôi bàn với vợ chuyển sang làm long nhãn” - ông Chuyên kể
Năm 1997, ông Chuyên quyết làm một chuyến buôn thật to, dồn hết vốn liếng của nhà rồi còn vay lãi thêm bên ngoài 200 triệu (lãi suất 3%) thu mua hơn 5 tạ long nhãn với giá 110.000 đồng/kg. Đúng năm ấy, thương lái Trung Quốc lại không thu mua long nhãn. Không thể cứ mãi “găm hàng”, ông buộc phải bán với “giá như cho” 5 tạ long nhãn. “Chuyến đấy tôi lỗ hơn 400 triệu đồng, tính ra gần 100 cây vàng thời bấy giờ. Gần 1 tháng trời sau đó lúc nào tôi cũng như người mất hồn, miệng đắng ngắt không thiết tha ăn uống gì. Bao nhiêu tiền bạc vất vả lắm mới kiếm được thì bỗng phút chốc tiêu tan” - ông Chuyên nhớ lại.

Sau một thời gian bình tâm suy nghĩ, ông Chuyên quyết phải đứng lên sau cú sốc và khởi nghiệp lại từ một đôi lợn. Đêm ông đi giăng lưới đánh cá, ngày thì nấu rượu, nuôi lợn, chạy chợ…, cứ thế hai vợ chồng ông nai lưng ra làm đêm làm ngày. Nhờ chăm chỉ chịu khó, cuộc sống của gia đình ông dần cải thiện. “Trong những năm đi buôn hoa quả tôi đã để ý thấy người trồng hoa quả họ có thu nhập cao gấp chục lần so với làm ruộng. Tôi nghĩ tại sao mình không thử trồng” - ông Chuyên tâm sự.
Năm 2003, ông bắt tay vào cải tạo vườn đất để trồng hoa quả. Lúc đầu ông thử trồng 2 sào cam đường. Sau 2 năm trồng, 2 sào cam đường của ông bắt đầu cho quả, vụ đầu tiên ông thu được 70 triệu đồng. Thấy có lãi, ông thuê thêm 5 sào đất để trồng cam đường. Nhưng rồi ông Chuyên lại nghĩ: “Trồng giống cam đường đúng là có lãi thật, nhưng trong quá trình trồng tôi thấy loại cam này bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, rất có hại cho bản thân người trồng cũng như người tiêu dùng, tôi lại nung nấu ý định phải tìm ra loại cây ăn quả khác phù hợp hơn”.
Gian nan chặng đường “đặt tên”
Năm 2010, ông mày mò rồi tìm hiểu qua sách báo về cách lai ghép cây, ông thử ghép mắt của 2 loại bưởi cổ với nhau. “Ghép được 4 cây, nhưng bị chết mất 2 cây. Hai cây còn lại tôi trồng đến năm thứ 3 cây bắt đầu bói quả. Tuy cho quả lần đầu nhưng cây rất sai quả. Về chất lượng thì bưởi ngọt mát, không he ngăm đắng khi ăn. Bưởi chín có màu vàng tươi. Quả to, vỏ mỏng chỉ có 12 múi, nhiều nước, không bị “cơm nguội” và không nát tép. Thời gian để lâu từ 3 - 5 tháng mà không dùng thuốc bảo quản. Tôi tự đặt tên cho giống bưởi này là “Bưởi Đào Chuyên”. Không ngờ, lần đầu tập tành ghép lại “ăn may” thế” - ông Chuyên hài hước kể.


Đó là cách nói khiêm tốn của ông. Bởi tận mắt chứng kiến sự say mê tìm hiểu, hết lòng chăm sóc, thậm chí “yêu bưởi hơn cả yêu vợ” (vợ ông Chuyên ví von), chúng tôi hiểu rằng chẳng có chuyện “ăn may” nào ở đây nếu không có sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân ông Chuyên. Với bí quyết riêng của mình, ông Chuyên “bắt” giống bưởi Đào Chuyên, dù thời tiết mưa nhiều khi trổ hoa, cây vẫn “phải” sai quả.

Cách hỗ trợ bưởi ra quả của ông cũng rất đặc biệt. “Quả ra từng chùm, có chùm lên đến 6-7 quả. Khi quả to trĩu xuống, lá bưởi che quả hạn chế cháy nắng, hạn chế xói đất ở gốc cây khi vào mùa mưa. Đến mùa bưởi, đứng từ xa, ít ai trông thấy quả, phải ngồi xuống mới thấy từng chùm quả sai trĩu dưới gốc cây” - ông Chuyên cho biết thêm.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Chuyên nhiều lần bị ngắt quãng bởi liên tục có những bạn hàng ở xa gần điện thoại về cho ông để đặt hàng. Ông Chuyên khoe: “Tôi làm hơn 1 vạn cây giống, giá bán từ 50.000 – 150.000 đồng/ cây, nhưng đến thời điểm này tôi đã hết giống bán. Nhiều bạn đặt hàng lắm nhưng đành phải “khất” đến cuối năm mới có”.
Đang vui, ông Chuyên bỗng thở dài: “Rất nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước muốn đặt hàng mua giống bưởi Đào Chuyên này với số lượng lớn nhưng họ yêu cầu tôi phải đăng ký thương hiệu. Tôi đem lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên hỏi, các anh ấy nói một trong những điều kiện bắt buộc để đăng ký thương hiệu là cây phải trên 6 năm tuổi. Giống bưởi này tôi mới trồng được 5 năm tuổi, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa đăng ký được thương hiệu, tôi chuyển sang xin cấp giấy chứng nhận, nhưng chặng đường còn gian nan lắm”.
Ông Chuyên tiết lộ: Với 400 gốc bưởi thương phẩm, mỗi năm tôi có khoản thu hơn 500 triệu đồng từ việc bán hàng vạn quả bưởi (với giá từ 40.000-50.000 đồng/quả). Ngoài ra, việc bán cây giống bưởi Đào Chuyên cũng giúp ông bỏ túi được 1 số tiền kha khá.
Tin mới nhất là trong Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến mới đây của Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, ông là một trong những nông dân xuất sắc nhất tỉnh được vinh danh.


Nguồn: Theo Trang Trại Việt