36 tuổi, chị Thu làm mẹ đơn thân nuôi hai đứa con khôn lớn sau cuộc hôn nhân đổ vỡ lúc đứa con út của chị mới 17 tháng tuổi. Thương con nên chị nhận quyền nuôi hai con trong khi chưa có nghề nghiệp ổn định. Tạm quên đi vết thương lòng, chị Thu xin học nghề làm móng, rồi học thêm nghề làm tóc để có cái nghề lo cho cuộc sống. Con trai lớn của chị giờ đã 16 tuổi, con gái út năm nay lên 9. Ngần ấy thời gian một mình chị vật lộn với cuộc mưu sinh. Chị mở một tiệm nhỏ tại nhà ở ấp Kênh 7B hành nghề cắt, uốn tóc. Biết chị Thu thiếu vốn mua dụng cụ hành nghề tóc, Hội LHPN xã Thạnh Đông A đã hỗ trợ chị vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn CVN vào tháng 9-2017. “Đang lúc khó khăn lại có được nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, tôi mừng lắm. Vậy là tôi mua thêm máy uốn, máy sấy tóc, phục vụ tốt hơn nhu cầu làm đẹp của khách hàng đang ngày càng tăng”, chị Thu kể. Khi chợ Kênh 5 xây dựng thêm dãy ki ốt mới, chị Thu đăng ký thuê 1 ki ốt rồi dời tiệm làm tóc ra mặt chợ. Cần mẫn, siêng năng, lại ăn nói có duyên nên tiệm của chị Thu lúc nào cũng đông khách, có hôm đến tận 21 giờ đêm vẫn có khách đến làm đẹp. Hiện chị nhận dạy 3 thanh niên học nghề tóc, làm móng.
Tại khu dân cư xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp), chị Trần Thị Thủy (54 tuổi) nhồi thau bột để 2 giờ khuya kịp đổ mấy chục ký bánh bò cho khách hàng làm đám cưới. Trên bộ ván làm bánh của chị Thủy còn có thêm thau sương sáo, sương sa, hạt lựu, nước đường đã được nấu chín. Gian bếp làm bánh cũng chất đầy nguyên liệu đường, bột, dừa khô nguyên trái. Chị Thủy cho biết, mỗi ngày gia đình chị bán gần 20kg bánh các loại gồm: Bánh bò, bánh tằm, chè đậu… thu lãi từ 300-400 ngàn đồng/ngày. Làm bánh khéo, lại nấu ăn ngon, chị Thủy ngày càng được nhiều người biết đến và đặt nấu đám tiệc. Nói về chuyện khởi nghiệp của mình, chị Thủy kể: “Hồi mới ra khu dân cư này ở, tôi chẳng biết làm gì để sống. Nhờ cán bộ Hội LHPN xã động viên nên tôi mạnh dạn khởi nghiệp với nghề làm bánh. Giữa năm 2017 tôi được hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn CVN nên có thể mua nguyên liệu làm bánh với số lượng nhiều nên giá ngợi hơn, bán lời nhiều hơn nên yên tâm, thu nhập luôn ổn định”. Đứng bếp làm bánh là chị Thủy, còn khâu bán bánh do người em dâu của chị phụ trách. Khoe chiếc máy ép dừa vừa mới “tậu”, cái tủ lạnh, máy giặt, tủ đựng quần áo mới, chị bảo nhờ vốn của Hội LHPN giúp làm ăn “nở nồi”, nhờ em dâu siêng năng, tằn tiện nên trong nhà đầy đủ tiện nghi. Tiền lời từ bán bánh chị Thủy trích một phần tham gia góp vốn xoay vòng không tính lãi và trả dần số tiền vay từ Hội LHPN xã.
Vốn có nghề làm kem đã 20 năm nhưng do thiếu vốn nên bà Huỳnh Thị Mỹ Duyên (54 tuổi), ngụ khu dân cư xã Tân Hiệp B chỉ làm kem bán tại nhà với số lượng nhỏ. Năm 2017, bà Duyên được hỗ trợ 5 triệu đồng từ vốn CVN để đầu tư máy nạo dừa và mua hàng về bán tạp hóa cho các hộ dân trong khu dân cư. Làm ăn ngày một phát triển, hiện bà Duyên làm dịch vụ cung cấp kem cho các đám tiệc với số lượng lớn, đồng thời, bà còn thiết kế thùng kem nhỏ tiện dụng để khách hàng tiện mang theo khi đi du lịch. Nhờ kem ngon, hợp vệ sinh, giá cả phải chăng nên món kem của bà Duyên ngày càng được nhiều người biết đến, giúp bà có khoản lợi nhuận từ 4 triệu đồng/tháng.
Theo đồng chí Lê Thị Kiều Nga - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Hiệp, nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, năm 2017, bên cạnh việc tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng, kịp thời động viên chị em chọn mô hình khởi nghiệp phù hợp, Hội LHPN huyện Tân Hiệp đã giải ngân 536 triệu đồng cho 31 chị vay từ nguồn vốn CVN. Đến nay, hầu hết chị em đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có mô hình khởi nghiệp hiệu quả, giúp cải thiện cuộc sống gia đình.
- Ảnh : Chị Trần Thị Thủy, ngụ khu dân cư xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) đang nhồi bột làm bánh.