Các phong trào thi đua đi vào thực chất dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra đánh giá, thực hiện trên nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí Phạm Công Khâm cho rằng, nổi bật nhất 5 năm qua là tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng bình quân 5%/năm, chứng tỏ phong trào có sức lan toản, giúp 984 hộ thoát nghèo. Trong xây dựng nông thôn mới, đã vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng 672 công trình, phần việc trong các tiêu chí nông thôn mới, xây mới, sửa chữa 960 cầu giao thông nông thôn... tổng trị giá trên 15 tỷ đồng; cất mới 524 nhà cho hội viên, nông dân nghèo, đặc biệt đã hiến 5,6ha đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội. Đặc biệt, các cấp Hội đã giới thiệu 620 cán bộ, hội viên, nông dân ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Qua đó cho thấy phong trào thi đua của Hội rất thiết thực và mang lại hiệu quả với những con số rất ấn tượng.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng từ nay đến năm 2025, đồng chí Phạm Công Khâm lưu ý Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Đề án 62-ĐA/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, cán bộ, hội viên đối với công tác thi đua khen thưởng; đặc biệt phải coi trọng chất lượng, hiệu quả phong trào, tránh sa vào hình thức và bệnh thành tích; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đưa phong trào này ngày càng phát triển, thật sự là phong trào của nông dân.
Ảnh: Đồng chí Phạm Công Khâm (thứ 5, từ trái qua) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc điển hình tiên tiến năm 2020
Theo đồng chí Phạm Công Khâm, việc tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với mục tiêu “xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” mà văn kiện Đại hội VII, Hội Nông dân Việt Nam đã xác định. Hội phải thực sự là người đại diện tin cậy của giai cấp nông dân. Các cấp Hội tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ Hội, hội viên, nông dân; đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc tự giác, thường xuyên của hội viên, nông dân để hình thành phong trào sâu rộng “Nông dân làm theo lời Bác”.