Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phong trào khác

Xem với cỡ chữAA

Giảm dần diện tích lúa thu đông, bố trí vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản quy mô lớn

(16:19 | 03/12/2021)

Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với Trường Đại học Cần Thơ nghe báo cáo tổng kết đề tài “Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Riềng”. Đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chủ trì hội nghị.

Đề tài “Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Riềng” do nhóm nghiên cứu Bộ môn Tài nguyên Đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện từ tháng 9-2020 đến 10-2021. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ cơ cấu mùa vụ, tiến độ xuống giống các vụ lúa trên địa bàn huyện Giồng Riềng; đồng thời, xác định được 7 vùng thích nghi đất đai cho 9 loại hình sử dụng đất nông nghiệp có triển vọng trên địa bàn huyện bao gồm lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, lúa 2 vụ - màu, lúa 2 vụ + cá, cây ăn trái, hồ tiêu, rau màu, chuyên sen, cây khóm.

 

Ảnh: Vụ thu đông 2021, 96% diện tích lúa của huyện Giồng Riềng sản xuất giống chất lượng cao.

 

Nhóm nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng đất nông nghiệp của huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Chuyển đổi canh tác theo hướng giảm dần diện tích lúa thu đông; bố trí vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản quy mô lớn phù hợp điều kiện tự nhiên, mang tính bền vững. Đối với rau màu, cần nhân rộng diện tích canh tác sản xuất khoai lang, dưa hấu và rau các loại, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Song song đó, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp bảo tồn và phát huy lợi thế của địa phương…

Đông Hưng-Báo Kiên Giang