Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Môi trường

Xem với cỡ chữAA

Nông dân bội thu, nhờ chủ trương sản xuất thuận thiên

(21:48 | 31/03/2023)

Những ngày này, trên những cánh đồng lúa vàng của huyện Giồng Riềng, các máy gặt đập liên hợp đang đua nhau làm việc hết công suất. Hầu hết nông dân rất phấn khởi bởi lúa chắc hạt, năng suất và giá bán tăng hơn vụ đông xuân năm trước. Đó là nhờ thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao.

Vụ lúa hè thu năm 2022 kết thúc, các ngành chuyên môn của huyện Giồng Riềng đã chủ động nhận định tình hình, dự báo nguồn nước lũ năm 2022 về sớm, nên đã xây dựng nhiều phương án sản xuất ngay từ đầu vụ. Trong đó có phương án khuyến cáo bà con nông dân ở những vùng trũng thấp, không nên sản xuất lúa vụ ba, đồng thời tranh thủ mở bờ đón nguồn nước lũ, nguồn cá đồng từ thiên nhiên vào đồng ruộng, để tham gia mô hình: “Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước lũ”. Nông dân tham gia mô hình sẽ được huyện hỗ trợ cá giống và thức ăn.

 

Ảnh: Nông dân Hợp tác xã Thạnh Tới, xã Thạnh Hòa sản xuất lúa giống cấp xác nhận Zamin 85.

 

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hợp tác xã quyết định không sản xuất lúa vụ 3, chuyển sang tham gia mô hình: “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” với diện tích 256 ha, được huyện hỗ trợ trên 400 kg cá giống. Từ khi tham gia mô hình ruộng lúa của Hợp tác xã được vệ sinh tháo chua, rửa phèn. Sau khi nước rút các thành viên trong hợp tác xã thu được lợi nhuận đáng kể từ nguồn cá đồng và nhất là lớp phù sa bồi đắp cho ruộng lúa, giúp cho vụ lúa đông xuân năm nay nông dân không cần phải bón phân nhiều, lúa vẫn phát triển tốt. So với vụ đông xuân năm trước, vụ đông xuân năm nay năng suất lúa tăng gần 01 tấn/ha, giá bán tăng gần một ngàn đồng/kg, lợi nhuận tăng gần gấp đôi, do chi phí sản xuất giảm.

 

Ảnh: Nông dân thu hoạch lúa đông xuân.

 

Mô hình: “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” được huyện Giồng Riềng triển khai thực hiện trên diện tích 500 ha, tại 19 xã, thị trấn. Tổng số tiền hỗ trợ cá giống, thức ăn gần 700 triệu đồng, ngoài ra các hộ nuôi còn được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Cùng với đó huyện cũng chú trọng đến sản xuất lúa chất lượng cao, nên vụ đông xuân năm nay toàn huyện có đến 96% lượng lúa giống chất lượng cao được nông dân sử dụng gieo xạ, bao gồm: giống lúa Jasmin 85, Đài Thơm 8, OM 5451, lúa DS1 và lúa ST. Ông Nguyễn Văn Thum, ngụ ấp Thạnh Qưới, xã Thạnh Phước phấn khởi chia sẻ: “Vụ lúa đông xuân năm nay tôi gieo xạ giống lúa ST25, với trên diện tích 7,6 héc ta, năng suất đạt 1 tấn 3, giá bán 7.300 đồng kg, tăng hơn giá bán năm ngoái 800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi lời gần 400 triệu đồng”. 

 

Ảnh: Hợp tác xã Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ”.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Giồng Riềng gieo xạ gần 47 ngàn ha, lúa đang thu hoạch trên 90% diện tích, năng suất lúa bình quân ước đạt trên 8,4 tấn/ha, cao hơn vụ đông xuân năm trước 0,5 tấn/ha. Sản lượng lúa dự kiến đạt gần 400 ngàn tấn, tăng trên 135 ngàn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Nông dân rất phấn khởi, vì lâu lắm rồi nông dân mới được mùa, được giá, lợi nhuận cao. Để tiếp tục đảm bảo năng suất cho vụ lúa tới, ông Trần Hoàng Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khuyến cáo bà con cần lưu ý: “Một là, gieo xạ lúa đúng lịch thời vụ để né dịch bệnh sâu, rầy; hai là, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (là đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách); ba là, canh tác lúa theo phương pháp: “Một phải, năm giảm”, “Một phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận và “Năm giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Hồng Phụng-Đài THKG