Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh

(16:00 | 16/07/2019)

 

Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 101/QĐ-UBND, ngày 17-1-2019 về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Có 16 sản phẩm nông nghiệp được xác định là chủ lực, thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh và xuất khẩu gồm lúa, tôm, tiêu, chuối, khóm, sò huyết, cua biển…  Trong bối cảnh tỉnh đang tập trung, ưu tiên phát triển nông nghiệp chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chủ lực là hướng đi mang tính dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững.

 

Kiên Giang hiện đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa với 4,3 triệu tấn, chiếm 10,10% sản lượng cả nước và 17,9% sản lượng ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông sản, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung với diện tích trồng lúa cả năm trên 766.000ha (vùng lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích) và sản lượng đạt trên 4,5 triệu tấn/năm. Sản lượng gạo hàng năm trên 3,1 triệu tấn, sản phẩm gạo chất lượng cao, hương thơm vị tự nhiên, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hàng năm trên 500.000 tấn gạo.

Diện tích lúa chất lượng cao tăng dần theo từng vụ, hướng nông dân canh tác lúa theo quy trình VietGAP, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao đạt trên 90% diện tích, diện tích sử dụng cấp giống xác nhận 168.782 ha/vụ. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh quy hoạch phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, diện tích 120.000ha đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Nâng cao chất lượng lúa gạo đang được người dân và doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng. Mô hình trồng lúa thảo dược đang được Công ty Cổ phần Điền Tín (TP. Rạch Giá) triển khai tại hai huyện Hòn Đất, Giồng Riềng là một điển hình. Đây là mô hình nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm lúa gạo đáp ứng nhu cầu thị trường với tiêu chí an toàn cho người canh tác, người tiêu dùng và môi sinh. Ngoài thu mua cho nông dân vùng nguyên liệu với giá 7.000 đồng/kg, dự kiến giá trị mang lại từ mô hình gạo thảo dược cao gấp 4-5 lần so với gạo thông thường. Ông Ngô Thành Khuyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điền Tín (TP. Rạch Giá), cho biết: “Hiện công ty có 2 dòng sản phẩm gạo thảo dược gồm gạo đỏ, gạo tím, có khả năng đáp ứng từ 3.000-5.000 tấn/năm. Ngoài ra, Công ty còn 2 sản phẩm gạo cao sản gồm R24, R21, khả năng đáp ứng 7.000 tấn/năm”. Do quản lý theo một chuỗi khép kín từ khâu giống, quy trình canh tác, thu mua, xay sát, chế biến đóng gói có truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm của Công ty Điền Tin được nhiều đối tác chấp nhận ký hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Ảnh: Bà con nông dân ở Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng (Châu Thành)

Thu hoạch lúa đông xuân 2018 - 2019.

 

Với tổng diện tích hơn 1.000ha được trồng chủ yếu ở các huyện Phú Quốc, Gò Quao, Giồng Riềng và TP. Hà Tiên, cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng 2.000 tấn/năm. Huyện Gò Quao có 261ha tiêu được trồng dưới tán tràm, trong đó diện tích cho trái khoảng 175ha, nhiều nhất là ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Hiện huyện có 20ha tiêu của Gò Quao đạt chứng nhận VietGAP và 9,5ha được chứng mô hình tiêu hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sinh học tự nhiên Phú Quốc thu mua xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ. Trong bối cảnh giá tiêu thị trường giảm còn 50 ngàn đồng/kg như hiện nay thì sản phẩm tiêu hữu cơ có giá trị cao hơn so với giá thị trường từ 30 - 40%. Như vậy, sản xuất theo quy trình hữu cơ, giúp nhà nông tăng lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. “Đây cũng là giải pháp mà huyện Gò Quao đang thực hiện để nâng cao giá trị tiêu và một số mặt hàng chủ lực khác.  Huyện đã ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sinh học tự nhiên Phú Quốc mở rộng vùng sản xuất tiêu hữu cơ đến năm 2029 đạt 100ha”, đồng chí Lê Hữu Toàn – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, cho biết.

Bên cạnh đầu tư vốn, khoa học – kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Cuối năm 2018, lần đầu tiên tỉnh tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người dân cả nước và tìm kiếm đối tác kết nối cung cầu. Các đặc sản của tỉnh tham gia hội chợ gồm: Nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, gạo hữu cơ, các sản phẩm chế biến từ thủy sản, khô mắm, khóm… Qua trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp của tỉnh đã ký kết được với siêu thị BigC tiêu thụ sản phẩm khóm, kết nối Công ty Cổ phẩn kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh để tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Chanh không hạt, măng cụt đã liên kết được với doanh nghiệp Bữa ăn an toàn. Đối với gạo hữu cơ thì liên kết tiêu thụ được với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Chợ Việt…

ĐÔNG HƯNG-PV BÁO KIÊN GIANG