Anh Nguyễn Phước Du cho biết, trước đây cũng giống như những hộ dân tại địa phương, gia đình anh bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm quảng canh, tuy nhiên do chưa có kỹ chăm sóc và xử lý nguồn nước nên những năm đầu thả nuôi đều bị thua lỗ, cao lắm là lấy được vốn. Khoảng 5 năm trở lại đây khi nhà nước có chủ trương nạo vét và khai thông những đường kênh mới, nên tạo điều kiện cho người dân như gia đình anh Du xả phèn, lấy nước mới vào ao, cộng với tích cực học hỏi những phương pháp sản xuất mới theo mô hình tôm - cua - lúa từ các lớp tập huấn, cũng như các hộ dân khác trong và ngoài tỉnh nên gia đình Du bắt tay vào sản xuất theo mô hình này.
Vào tháng 9 bắt đầu sạ lúa, đến tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch lúa. Sau khi thu hoạch xong bắt đầu bơm nước vào cải tạo ao nuôi và thả tôm, cua. Tôm nuôi sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu. Đồng thời, cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao, anh Nguyễn Phước Du cho biết.
Để việc sản xuất đạt hiệu quả, đem lại năng suất lúa cũng như sản lượng tôm, cua được cao, việc chọn con giống đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh là rất quan trọng. Chính vì thế trong thả nuôi anh luôn chọn những con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sạch bệnh, đã qua kiểm dịch để thả nuôi. Tôm giống sau khi lấy về phải vèo trong ao để tôm thích nghi với nguồn nước. Ngoài ra, cách xử lý nguồn nước cũng như chăm sóc trong quá trình nuôi cũng rất quan trọng các yếu tố về chất lượng nước đạt các thông số như: độ trong từ 30 - 40 cm, pH từ 7,5 - 8,5, độ kiềm từ 80 - 120… thì có thể tiến hành thả tôm. Nhờ vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất nên đến nay mỗi năm gia đình anh Du nuôi trồng đều có lãi, từ đó tiếp tục tích cóp tiền để mua thêm đất tiếp tục đầu tư sản xuất. Đến nay với hơn 6 ha thực hiện mô hình nuôi tôm - cua - lúa, mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh thu lời từ 250 đến 300 triệu đồng.
Ảnh: Trao đổi với ông Giang Văn Thôm (giữa) Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Điền (Kiên Lương) và thành viên hợp tác xã về quá trình sinh trưởng của con cua trong mô hình
Từ hiệu quả của việc sản xuất từ mô hình kết hợp tôm - cua - lúa của gia đình anh Du, nhiều hộ dân lận cận cũng bắt đầu áp dụng sản xuất theo mô hình này. Hiện các hộ còn phát triển và thành lập được hợp tác xã với 15 thành viên, sản xuất trên diện tích gần hơn 50 ha. Các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất nên đều đạt năng suất khá, mang lại thu nhập cao. Nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xã ngày càng phát triển hơn các mô hình làm kinh tế hiệu quả trong thời gian gian tới, ông Giang Văn Thôm, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình của anh Du và của hợp tác xã, trong thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã thành lập thêm các hợp tác xã khác ở những nơi có điều kiện tương tự, nhằm giúp cho các hộ dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình này”.
Từ hiệu quả của mô hình canh tác tôm - cua - lúa của gia đình anh Nguyễn Phước Du, anh được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã trong nhiều năm liền, hiện anh đang được đề nghị là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2017 - 2019.