Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Khoa học công nghệ

Xem với cỡ chữAA

Bệnh cúm gia cầm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh cúm gia cầm

(09:41 | 10/04/2017)

 Bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao (HPAI) hay còn gọi là bệnh Cúm gà, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm, gây bệnh cho gà, vịt, vịt xiêm, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim cút, các lòai chim cảnh, chim hoang dã. Đặc biệt các lòai thủy cầm (vịt, vịt xiêm, ngỗng) thường mang mầm bệnh ở dạng tiềm ẩn.

 

            Bệnh có thể lây sang người và một số lòai gia súc khác.

Bệnh cúm gia cầm gây ra do một lòai vi rút, có tính chất lây lan nhanh, gây tỷ lệ chết rất cao trong vòng 24-48 giờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tài sản của nhân dân.

Bệnh cúm gia cầm được gây ra bởi vi rút cúm type A, thuộc họ Orthomyxoviridae với nhiều phân type khác nhau. Kháng nguyên tạo nên vi rút có hai lọai được ký hiệu bằng chữ H và chữ N. Hiện nay người ta đã xác định được vi rút có 16 kháng nguyên H từ H1 đến H16 và 9 kháng nguyên N từ N1 đến N9. Cứ mỗi loại kháng nguyên N kết hợp với một loại kháng nguyên H sẽ tạo nên một loại vi rút khác nhau. Do đó sẽ có 114 lọai vi rút cúm type A. Virút gây ra bệnh cúm gia cầm chủ yếu là lọai H5, H7, H9 gây bệnh cho gà, vịt, vịt xiêm, ngỗng, đà điểu, các loại chim và có thể gây bệnh cho cả người nữa.

Vi rút có khả năng làm cho dịch cúm gia cầm lây lan rất nhanh, làm chết hàng loạt gia cầm trong một thời gian rất ngắn, tỷ lệ chết có thể là 100%.Vi rút H5N1 có thể từ gia cầm lây lan sang người và gây bệnh cho người. Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút cúm có ở hầu hết các cơ quan nội tạng, kể cả máu, tủy xương, nước dãi, phân, lông…Vi rút có thể tồn tại trong chuồng trại tới 35 ngày, trong phân 3 tháng. Vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường và nhiệt độ từ  60-700C trong vòng 5 phút, nhưng trong tủ lạnh, tủ đá chúng lại tồn tại hàng tháng.

Khi gia cầm mắc bệnh cúm H5N1, thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày. Gia cầm có biểu hiện sốt cao, ho, thở khó, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu, xuất huyết ở vùng da không có lông. Đặc biệt ở chân, da tím bầm, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết rất nhanh. Trước khi chết gia cầm có những biểu hiện thần kinh, đi lại lọang chọang, run rẩy, đầu ngọeo, đi quay vòng. Gà thường bị tiêu chảy mạnh, phân lõang có  màu trắng hoặc trắng xanh, trên gà đẻ, tỷ lệ đẻ giảm rõ rệt, có khi gà đẻ trứng non. Trong thực tế có khi dịch bùng phát nhanh, gà chết thường không thấy rõ triệu chứng do đó đôi khi dẫn tới những sai lầm trong chẩn đóan lâm sàng. Triệu chứng trên thủy cầm cũng gần giống như trên gà, vịt thường ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy, có hiện tượng tích nước, sưng phù các xoang. Trong thời gian ủ bệnh vi rút luôn được đào thải ra môi trường qua phân, các chất bài tiết của gia cầm và tiếp tục lây lan sang những gia cầm khác.

Vũ Văn Bầu – Trạm thú y Giồng Riềng