Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Hiệu quả Mô hình nuôi ốc Bươu đen của hội viên nông dân xã Hưng Yên

(16:35 | 03/11/2023)

Mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Trương Văn Nhơn ở ấp Bàu Môn, xã Hưng Yên, huyện An Biên; có diện diện tích khoản 500m2 mặt nước nuôi theo tự nhiên, không tốn tiền thức ăn hay công chăm sóc. Những năm gần đây, ốc bươu đen trở thành món ăn đặc sản ở Miền Tây, sản lượng tiêu thụ rất lớn nhưng đa phần đánh bắt ngoài tự nhiên. Để đáp ứng lượng ốc cho thị trường, ông Trương Văn Nhơn đã nghĩ ra ý tưởng thả nuôi ốc bươu đen thương phẩm trong ao đất rất thành công, mang lại thu nhập cho gia đình rất ổn định.

Ông Nhơn cho biết: Trước đây, gia đình có 4 công vườn, trên bờ trồng dừa, mai làm kiểng, còn dưới nước ông thả nuôi cá chép, mè, tai tượng và diêu hồng… Thức ăn nuôi cá ngày càng tăng giá nên ông suy nghĩ nhiều cách để giảm chi phí. Theo đó, ông quyết định thả ốc bươu đen nuôi chung với cá. Sau đó, bắt ốc lên làm thức ăn cho cá nhằm hạn chế được chi phí mua thức ăn. 

Năm 2020, ông nhận thấy ốc ngày càng phát triển với cấp số nhân, làm thức ăn cho cá dư thừa, cộng thêm giá ốc bươu đen trên thị trường tăng cao nên ông bắt đầu dưỡng ốc.

Sau khi tìm hiểu sức mua từ thị trường, ông thấy nuôi ốc bán thương phẩm cho lợi cao hơn so với nuôi cá. Sau đó, ông bán hết số cá nuôi, chuyển hết sang tập trung cho con ốc. Song song đó, ông còn tìm hiểu qua báo đài, sách báo để biết kỹ thuật và tập tính của con ốc sống ra sao, ăn cái gì mau lớn? Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu và tiến hành lấy trứng ốc đem ấp để tạo nguồn giống.

 

Ảnh: Ông Trương Văn Nhơn, hội viên nông dân ấp Bàu Môn - Hưng Yên - An Biên bên Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình.

 

Cũng theo ông Nhơn, ốc bươu đen là loài ở sạch. Chúng đẻ quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa (từ tháng 7 - 12 hàng năm). Trứng mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi trứng sắp nở. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước. Sau vài ngày, vỏ ốc con cứng dần, chúng tự bò đi kiếm các chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn. Khoảng 5 - 6 tháng tuổi, ốc sẽ trưởng thành và có thể thu hoạch khoảng 25 - 30 con/kg. Để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, ông thu trứng ốc đẻ ngoài ao để vào thùng ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu, ông đem thả xuống vèo, rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài ao tìm thức ăn sinh sống nên cách nuôi ốc từ con nhỏ như vậy tỷ lệ ốc sống đạt 100%. 

Ông Nhơn, còn cho biết thêm nguồn thu nhập thêm hiện nay nhờ vào bán ốc giống, mỗi con ốc sau khi nở ra khoảng 20 ngày tuổi có giá là 300đ/con. Bình quân mỗi tháng ông thu gom các ổ trứng ốc, khoảng từ 30-40 ổ trứng/tháng đem vào thùng ấp từ 20 - 25 ngày trứng sẽ nở, tỷ lệ đạt trứng nở là từ 40 - 50%, bình quân mỗi ổ trứng nở từ 50 con trở lên. Mỗi tháng số con ốc giống nở từ 1.500 con - 2.000 con, trừ chi phí ông thu hoạch từ bán ốc giống lãi từ 3,5 triệu đến 04 triệu đồng. Mô hình nuôi ốc bươu đen là mô hình khá nhàn rỗi, không cần vốn nhiều, không đầu tư thức ăn nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập gia đình ổn định.

Quang Lắm-HND Hưng Yên (AB)