Tận dụng nguồn đất vườn rộng, cách xa khu dân cư, đầu năm 2022, anh Việt đầu tư chuồng và mua 400 con chim bồ câu giống Titan Thái về nuôi. Để tiết kiệm diện tích, chuồng nuôi chim bồ câu được anh Việt thiết kế theo từng dãy, mỗi dãy gồm nhiều ô chuồng nhưng mỗi ô chuồng chỉ nuôi 2 chim giống gồm một con đực và một con cái. Bên trong mỗi ô chuồng, anh Việt sử dụng rổ nhựa để làm ổ cho chim, được đặt san sát buộc cố định để chim có thể sinh sản và thuận tiện trong việc ấp trứng.
Khi bắt đầu nuôi, anh Việt gặp nhiều khó khăn vì không có kỹ thuật nuôi và chăm sóc, nên việc nuôi chưa đạt hiểu quả kinh tế cao. Nhưng với ước mơ vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, anh Việt đã tích cực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu trên mạng, tham quan các mô hình hiệu quả và về áp dụng từ đó, việc nuôi chim bồ câu đạt hiểu quả kinh tế cao hơn. Theo anh Việt, chim bồ câu khác với nhiều loại vật nuôi khác vì hầu như chim bồ câu sẽ không có dịch, bệnh. Còn về việc chăm sóc thì hàng ngày, anh chỉ tốn khoảng 15 phút để thức ăn vào chuồng, mở hệ thống nước phun tự động để làm sạch chuồng... Với cách chăm sóc tốt, chim bồ câu sẽ cho tỷ lệ trứng đẻ và nở đạt gần 100%.
Mỗi ô chuồng chỉ nuôi 2 chim giống để chim có thể sinh sản và thuận tiện trong việc ấp trứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, anh Việt tìm hiểu kỹ quá trình sinh trưởng, phát triển, kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu hợp lý nên chim bồ câu ngày càng khỏe mạnh và sinh sản nhanh. “Được chăm sóc tốt nên sau 4 đến 5 tháng, chim bồ câu bắt đầu sinh sản lứa đầu. Bồ câu thường đẻ 8 lứa 1 năm, mỗi lứa 2 trứng, trung bình từ từ lúc nở khoảng 25 ngày, bồ câu có thể xuất bán. Đến nay, tôi có trên 600 con bồ câu và được các nhà hàng ở TP. Phú Quốc bao tiêu đầu ra. Với giá mỗi con từ 70.000 đồng, trừ các khoản chi phí, tôi có lãi trên 100 triệu đồng/năm” anh Việt chia sẻ.
Theo anh Việt, để nuôi chim bồ câu hiểu quả phải chọn được giống chim phù hợp khí hậu, đó là một ưu điểm rất tốt. Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh chuồng, tạo môi trường sống tốt thì chim sẽ không bị mắc bệnh, cho năng suất và thu nhập cao. Đặc biệt, phân của chim bồ câu anh tận dụng ủ tạo thành phân sinh học để bón cho rau. “Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi chim bồ câu để có thêm thu nhập. Tôi cũng thử nghiệm trên gần 1 công rau màu, đến nay phát triển xanh tốt. Tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các hội viên cựu chiến binh khác về kỹ thuật nuôi chim bồ câu để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu” anh Việt chia sẽ thêm.
Anh Trần Hoàng Việt - hội viên, Hội Cựu chiến binh phường Đông Hồ (TP. Hà Tiên) cho chim bồ câu ăn.
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu, anh Việt còn được Hội Cựu chiến binh phường phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật. Với những kết quả đạt được, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Việt là một trong những mô hình mới nhưng đạt được hiệu quả kinh tế cao tại phường Đông Hồ. “Vốn đầu tư ban đầu không quá cao, đầu ra lại ổn định nên nuôi chim bồ câu là hướng phát triển kinh tế phù hợp với những gia đình ít đất, ít công lao động. Chỉ hơn 1 năm khởi nghiệp, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Việt đã từng bước xây dựng được thương hiệu và đảm bảo đầu ra ổn định. Định hướng đến năm 2024, Hội Cựu chiến binh phường phấn đấu nhân rộng mô hình này đến 100% hội viên” đồng chí Nguyễn Phú Trung - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đông Hồ cho biết.
Đến nay, anh Việt cũng thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài địa phương; tích cực nghiên cứu học tập, áp dụng kinh nghiệm thực tiễn đưa vào sản xuất, giúp đỡ các hộ khó khăn trong thôn thoát nghèo, cùng vươn lên với mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương.