Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Người nông dân mới

Xem với cỡ chữAA

Vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi heo rừng

(15:07 | 31/07/2024)

Những năm gần đây, trong khi người nuôi heo thịt gặp khó khăn vì dịch bệnh và giá cả thì những hộ nuôi heo rừng phát triển khá tốt nhờ có thị trường tiêu thụ riêng, ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Với mong muốn tìm kiếm một hướng đi mới, ông Châu Văn Cuội, ngụ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) đã vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi heo rừng. Nhờ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm ông Cuội đã thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Lập nghiệp tại vùng đất biên giới Mỹ Đức, ban đầu gia đình ông Châu Văn Cuội gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, vợ chồng ông Cuội phải đi làm thuê và buôn bán để có thu nhập lo cho gia đình. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng trên thị trường ngày càng cao, năm 2015, ông Châu Văn Cuội đã vay vốn 30 triệu đồng từ Hội Nông dân phường để khởi nghiệp bằng mô hình nuôi heo rừng.

Tận dụng nguồn đất trống không có khả năng trồng trọt, ông Cuội làm chuồng để nuôi thử nghiệm 3 con heo rừng. Lúc đầu, do đàn heo chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu địa phương và ông Cuội chưa nắm kỹ thuật chăm nuôi bài bản nên heo chậm phát triển. Không nản chí, ông Cuội mày mò nghiên cứu, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng để nắm rõ hơn về đặc tính loại heo rừng, nhờ đó đàn heo dần phát triển tốt.

 

Ông Châu Văn Cuội, ngụ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) chăm sóc đàn heo rừng.

 

Nằm cách xa khu dân cư gần 1km, khu chăn nuôi heo rừng của ông Cuội vẫn đang sản xuất hiệu quả được xây dựng khá kiên cố. Theo ông Cuội, đàn heo rừng của ông vẫn phát triển tốt ngay giữa mùa dịch tả heo Châu Phi đang bùng phát. Có được sự an toàn này là nhờ trang trại của ông Cuội thực hiện chăn nuôi theo hình thức khép kín. Toàn bộ con giống do trại tự sản xuất, nguồn thức ăn chủ yếu từ cỏ voi do ông Cuội tự trồng gần 1 công đất ruộng. Tận dụng phân heo, ông Cuội bón cho cây cỏ voi, từ đó tạo được mô hình sản xuất khép kín, an toàn.

Ngoài ra, nhờ trại đang nuôi giống heo rừng bản địa, lại nuôi với hình thức bán hoang dã nên heo rừng sinh trưởng trong môi trường tương đương với tự nhiên, giúp sức đề kháng tốt, heo hầu như không bị bệnh. Nói về “bí quyết” chăn nuôi heo nhanh lớn, không để dịch bệnh tấn công và đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm, theo ông Cuội là thường xuyên dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ, chuồng trại đủ sự thông thoáng vào mùa khô và đủ ấm mùa lạnh.

 

Ông Châu Văn Cuội, ngụ khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) thu hoạch cỏ cho heo rừng.

 

Hiện trại nuôi heo rừng của ông Cuội có gần 100 con, trong đó hơn một nửa là heo thịt đang nuôi chuẩn bị cho lứa bán, còn lại là heo giống. “Để có được trại heo phát triển ổn định, tôi chọn xây trại heo ở cách xa khu dân cư vì yên tâm về vấn đề an toàn dịch bệnh. Tuy là heo rừng nhưng chúng ta phải tiêm đầy đủ các loại vaccine để tăng thêm sức đề kháng cho heo. Gần chục năm nuôi heo rừng, tôi chưa thấy heo rừng bị bệnh” ông Cuội cho biết.

Mỗi năm, heo sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 12 con/lứa. Thông thường sau 6 tháng nuôi heo sẽ đạt trọng lượng từ 15-25kg/con. Ngoài nuôi heo rừng thịt, hiện nay, ông Cuội còn chuyên sản xuất cung cấp heo rừng giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân. “So với nuôi heo thịt thì hiện nay nuôi heo rừng có ưu thế vượt trội hơn hẳn về thị trường đầu ra. Nếu như nuôi heo thịt thường xuyên gặp khó khăn do đầu ra và giá bán không ổn định, thì thị trường tiêu thụ heo rừng luôn có giá ổn định dao động từ 120.000 -150.000 đồng/kg hơi trừ hết các chi phí thu gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm”.

 

Tận dụng phân heo, ông Châu Văn Cuội bón cho cây cỏ voi và dùng cỏ voi để làm thức ăn cho heo rừng từ đó tạo được mô hình sản xuất khép kín, an toàn.

 

Theo đồng chí Chau Chư - Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Đức, trong bối cảnh chăn nuôi heo thịt đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì nuôi heo rừng có thể là một hướng đi mới, trong đó mô hình nuôi heo rừng của hội viên Châu Văn Cuội là mô hình tiêu biểu tại địa phương. Hội Nông dân phường cũng thường xuyên để các hội viên Hội Nông dân phường đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi heo rừng của ông Cuội. Đến nay, số lượng hội viên nuôi heo rừng ở địa phương tăng so với năm trước. “Mỹ Đức là phường biên giới có đông đồng bào Khmer sinh sống. Ở phường có nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả, trong đó mô hình nuôi heo rừng của hội viên Châu Văn Cuội là mô hình tiêu biểu và có thể nhân rộng đến các hội viên. Thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để các hội viên có thể tiếp cận được mô hình hiệu quả và vươn lên làm giàu trên mãnh đất quê hương” đồng chí Chau Chư cho biết.

Danh Thành-Báo Kiên Giang