Ông Nguyễn Thanh Quý (ngụ ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi) cho biết, gia đình ông có hơn 7ha đất nông nghiệp nằm sát sông Sài Gòn. Với lợi thế nước tưới và phù sa từ sông Sài Gòn, ông đầu tư trồng cây ăn trái các loại như: Mít, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... kết hợp làm du lịch sinh thái. Ông Quý phấn khởi nói: “Chúng tôi đang tập tành làm du lịch vườn. Thu nhập thời gian qua từ mô hình này cũng khá lắm. Giờ cả xã nhà vườn nào cũng làm du lịch hết”.
|
Nhiều nhà vườn trồng rau kết hợp phục vụ du lịch sinh thái. Ảnh: Vườn lá giang của một nông dân ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi) được trồng thẳng tắp, đẹp mắt. Ảnh: K.H |
Cạnh vườn nhà ông Quý, ông Nguyễn Minh Lâm (thường gọi là Mười Nheo) cũng có đến 7 công đất từng trồng mía không hiệu quả. Năm 2000, ông Lâm chuyển sang trồng cây ăn trái, rồi cho một số khách “Tây ba lô” vào thăm vườn, hái trái cây. Thấy việc bán vé tham quan cho khách du lịch mang lại thu nhập cao hơn việc phải mang từng sọt trái cây ra chợ mặc cả, ông Quý từng bước xây dựng khu du lịch sinh thái từ chính vườn cây ăn trái của gia đình. Đến nay, vườn cây của ông Quý phát triển ổn định. Mỗi năm ông đón trên dưới 4.000 lượt khách đến tham quan, cắm trại tại vườn, giá vé dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/người. Doanh thu của ông đạt từ 150 – 180 triệu mỗi năm.
Ông Huỳnh Văn Huệ (Hai Huệ) - Tổ trưởng Tổ Cây ăn trái Trung An cho biết, mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ở địa phương này phát triển cách đây hơn chục năm, góp phần thay đổi toàn diện đời sống người nông dân cũng như bộ mặt nông thôn xã. Nông dân Trung An bây giờ là những người làm vườn kiêm hướng dẫn viên, chịu trách nhiệm luôn cả khâu bếp núc, ngủ nghỉ cho khách.
Tại các xã Tân Thông Hội, Nhuận Đức, Thái Mỹ... để tăng thêm thu nhập, nhiều hộ gia đình dù chỉ làm nghề trồng rau sạch cũng đã tận dụng được không gian để đưa học sinh đến tham quan.
Chuyên nghiệp hóa cho nông dân
Theo ông Huệ, 2- 3 năm trở lại đây, tận dụng thời gian nông nhàn, nhiều nhà vườn có phát triển du lịch sinh thái ở Củ Chi cùng tập hợp lại, thuê bếp trưởng, trưởng phòng tiếp tân, khách sạn... về hướng dẫn các nghiệp vụ trong ngành du lịch. Nhờ đó, nông dân có thể tự phục vụ khách các nhu cầu như ăn uống những món đồng quê đơn giản, nhu cầu ngủ nghỉ tại vườn hoặc có thể tiếp đón khách chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, ông Dương Văn Minh – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết, dù phát triển rất nhanh, mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái vẫn chưa được xem là sản phẩm nông nghiệp chính của địa phương này. Phần lớn nông dân làm tự phát, hoạt động truyền thông, quảng bá chưa tới được với số đông nên lượng khách chưa nhiều. “Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã tổ chức cho nông dân sang Đài Loan, Hàn Quốc học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, các trang trại lớn muốn cho khách du lịch vào phải có phương án đảm bảo các vấn đề về sâu hại, dịch bệnh... Còn trang trại nhỏ chưa đủ lực để hút khách” - ông Minh nhận xét.
Tổ Cây ăn trái Trung An hiện có 60 xã viên với diện tích vườn cây ăn trái khoảng 40ha. Từ ngày kết hợp làm du lịch sinh thái, giá trị mỗi kg trái cây đã tăng lên gấp 3 – 4 lần, giá trị sản xuất đất nông nghiệp từ đó cũng tăng lên gấp 4 lần. |