Là một trong 30 học viên dân tộc thiểu số vừa hoàn thành khóa học kỹ thuật xây trát công trình do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên phối hợp Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang tổ chức, Danh Thanh Vĩ (18 tuổi) ở ấp Bào Môn, xã Hưng Yên, huyện An Biên đã có việc làm ổn định. Danh Thanh Vĩ cho biết, trước đây em làm phụ hồ được trả công 200-230 nghìn đồng/ngày, sau khi học nghề xong, thù lao của em đã được tăng lên 250-300 nghìn đồng/ngày. Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên, trong năm 2023, huyện An Biên đã tổ chức thành công bảy lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 200 lao động; từ đó, giúp nhiều lao động nông thôn, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số, dễ dàng tìm kiếm việc làm, mạnh dạn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương thay vì bôn ba mưu sinh ở đất khách. Học kỹ thuật xây trát công trình, Vĩ và nhiều thanh niên người dân tộc Khmer khác được miễn học phí, hỗ trợ một phần tiền ăn và đi lại.
Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là người Khmer với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Hằng năm, tỉnh có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm. Đến nay, qua tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Kiên Giang có 11.800 hộ nghèo (chiếm 2,57%), trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 3.100 hộ (chiếm 4,7%).
Ảnh: Thanh niên dân tộc Khmer trên địa bàn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang học nghề.
Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của tỉnh Kiên Giang trong tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, nhiều phum sóc của đồng bào Khmer đã nhuận sắc hơn xưa. Nhiều chương trình, dự án được triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống người dân.
Xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận từ một vùng quê nghèo khó, giờ cuộc sống của đồng bào Khmer ở đây đã được nâng lên rõ rệt. Mười năm trước, từ trung tâm huyện Vĩnh Thuận về vàm Chắc Băng, xã Phong Đông chỉ đi được bằng xe máy, giờ đã có lộ nhựa, xe bốn bánh đi lại dễ dàng. “Đổi thay lớn nhất trong đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phong Đông bắt đầu từ việc địa phương vận dụng kịp thời, hiệu quả những chính sách thiết thực của Ðảng, Nhà nước phục vụ nhu cầu lợi ích dân sinh. Đây chính là động lực giúp bà con Khmer thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu đưa Phong Đông hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025”, Bí thư Đảng ủy xã Phong Đông Châu Ngọc Cẩn khẳng định.
Ảnh: Thanh niên dân tộc Khmer trên địa bàn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang học nghề được miễn phí, hỗ trợ chi phí ăn và đi lại.
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực vượt khó, thúc đẩy giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ. Từ thực tế, Kiên Giang cũng đã kiến nghị, đề xuất Trung ương hướng tháo gỡ vướng mắc. Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương giao tổng vốn hơn 388 tỷ đồng; riêng năm 2023 gần 158 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ đạt 100% kế hoạch; tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 gặp nhiều khó khăn, chỉ được hơn 60 tỷ đồng, mới đạt 39,4% kế hoạch.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho hay, việc thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn do cán bộ theo dõi từ huyện đến xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu, giúp việc trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thiếu tính liên tục, không kịp thời. Năng lực một số cán bộ theo dõi chương trình còn hạn chế. Nhiều nội dung văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương chưa phù hợp với vùng miền, địa phương, mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó, chương trình giao cho xã làm chủ đầu tư thực hiện còn lúng túng trong việc thẩm định giá, quy trình thực hiện đấu thầu, phê duyệt thầu, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh danh mục, quy mô đầu tư. Cán bộ tham mưu cấp huyện, xã chủ yếu làm việc kiêm nhiệm nên công tác tổng hợp, báo cáo số liệu chưa đầy đủ, còn sai sót. Một số cán bộ được giao nhiệm vụ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.
Ảnh: Đường về trung tâm xã nông thôn mới Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn hai lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5-2%; phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô-tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê-tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp… “Cần xem xét ngân sách năm 2024 Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, không giao dự toán quá chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể”, ông Danh Phúc kiến nghị.
Trong tiến trình phát triển, bên cạnh chăm lo, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sinh kế, vấn đề xuyên suốt luôn được tỉnh Kiên Giang chú trọng là giữ gìn, phát huy, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer trong đa dạng giá trị văn hóa chung của dân tộc ta. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết, các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Nghệ thuật truyền thống Khmer góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.