Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, quý I năm 2014 ngành du lịch ĐBSCL đón trên 6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 6,2 % so cùng kỳ. Trong đó, có hơn 472 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 7,2 % so cùng kỳ. Đạt doanh thu 1.525 tỷ đồng, tăng 26,1 % so cùng kỳ năm 2013.
Bải Dinh Cậu - Phú Quốc - Kiên Giang
Trong số các địa phương trong vùng, các tỉnh Cà Mau, Long An, Tiền Giang và Bến Tre là các địa phương tiêu biểu có tỷ lệ tăng về lượt khách tương đối cao. Địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là An Giang với hơn 2,3 triệu lượt khách nhưng chủ yếu là khách tham quan lễ hội. Địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền Giang với 159.806 lượt và địa phương có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang với 378 tỷ đồng.
Có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của ngành du lịch các địa phương, trong đó phải kể đến vai trò "đầu mối" kết nối các địa phương của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Qua đó, tác động các địa phương tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật… góp phần vào sự phát triển chung của cả khu vực.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn mà ngành du lịch khu vực ĐBSCL đang đối mặt. Tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng nhưng chưa tạo thành sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, kém sức cạnh tranh, hạ tầng giao thông kết nối điểm đến còn khó khăn; đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp còn thiếu, tiếp thị điểm đến còn nhỏ lẻ… Nguyên nhân của những hạn chế này là do chưa có sự phân định rõ ràng về "lợi ích" và "trách nhiệm" giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân trong khu vực. Thiếu kế hoạch, lộ trình và chương trình hành động cụ thể liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở cấp độ vùng. Đặc biệt là vai trò "nhạc trưởng" của các cơ quan có trách nhiệm còn yếu.
Do đó để giữ được mức tăng trưởng, các địa phương cần đề tìm ra những giải pháp thiết thực, phải có chương trình hành động cụ thể với lộ trình, kế hoạch phù hợp, phân công nhiệm vụ chi tiết của các cơ quan Trung ương, địa phương, hiệp hội du lịch, đảm bảo nguồn lực để thực hiện trên cơ sở phải có cơ quan chỉ đạo, điều phối chung.
Trước mắt, cần triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội thảo "phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức tại Tp. Cần Thơ vừa qua. Theo đó, Bộ giao Tổng cục Du lịch khẩn trương xây dựng hai Đề án "Thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL" và đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL"; kinh phí thực hiện từ nguồn Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2014, báo cáo lãnh đạo Bộ trước 30/6/2014. Song song đó, Bộ cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và hiệp du lịch các địa phương phối hợp tạo điều kiện cần thiết để Tổng cục Du lịch xây dựng và triển khai các đế án, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL năm 2014 do Bạc Liêu làm Cụm trưởng; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Đông giữa các địa phương Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh đang đạt được những kết quả nhất định.
Mặt khác, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng cần thực hiện nhiều chính sách như khuyến mại, giảm giá đối với các đối tượng du khách nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện du lịch; đặc biệt là tiếp tục kéo dài "Chương trình kích cầu du lịch trong năm 2014" theo chỉ đạo của Tổng cục Du lịch.