Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Tính, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, việc sử dụng phân bón hóa học thời gian dài đã gây ô nhiễm môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ, ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Vụ đông xuân 2017-2018, huyện Tân Hiệp gieo sạ 35.324ha, trong đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện đã mời gọi 10 doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm không tính lãi và bao tiêu lúa cho nông dân với tổng diện tích hơn 2.500ha. Hiện toàn huyện đã thu hoạch hơn 90% diện tích lúa đông xuân, sản lượng đạt 293.240 tấn, vượt 7.331 tấn so kế hoạch và tăng gần 60.000 tấn so cùng kỳ. Giá lúa nông dân bán tại ruộng cao hơn cùng kỳ từ 800-1.000 đồng/kg nên bà con nông dân rất phấn khởi. Đặc biệt, đối với những ruộng lúa sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận từ 40-50% so với khi chỉ sử dụng phân bón vô cơ.
Tại hội thảo về canh tác lúa thu nhập cao và liên kết “4 nhà” vừa được Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 30-3, anh Trần Minh Hoàng, ngụ ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp), nói: “Ban đầu sử dụng phân hữu cơ vi sinh UP5 cho 2ha ruộng, tôi cũng run lắm, vì chưa biết hiệu quả ra sao. Đến khi thu hoạch xong mới thở phào, lần đầu tiên ruộng nhà tôi đạt 8,9 tấn/ha, lợi nhuận thu về 33,5 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng/ha so với khi sử dụng phân bón vô cơ”. Theo lý giải của anh Hoàng, khi sử dụng phân hữu cơ sinh học UP5, trong suốt thời gian sinh trưởng, cây lúa giữ màu xanh lá mạ, ít nhiễm sâu bệnh, thân cứng, lá đòng đứng và dày, giữ được màu xanh đến lúc chín, bộ rễ khỏe và nhiều. Giai đoạn chín của cây lúa không kéo dài mà tập trung, hạt lúa khi chín thì sáng đẹp và no hạt.
Anh Trần Minh Hoàng là nông dân duy nhất được Hội Nông dân huyện chọn thí điểm liên kết với Công ty Cổ phần Trương Việt (TP. Hồ Chí Minh) trong vụ đông xuân 2017-2018. Ông Trương Thế Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trương Việt, cho biết: “Qua vụ đông xuân 2017-2018, việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học đã giúp cây lúa đạt năng suất cao thấy rõ và được nhà nông đánh giá cao. Đặc điểm của phân bón hữu cơ sinh học là cải tạo đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Thời gian tới, công ty sẽ sát cánh cùng Hội Nông dân huyện Tân Hiệp trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất bền vững hơn”.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình liên kết với nông dân cung ứng sản phẩm phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên AMIO - Toàn Cầu dự kiến vụ hè thu 2018 sẽ tiếp tục liên kết với nông dân huyện Tân Hiệp để cung ứng phân bón hữu cơ và hướng dẫn quy trình canh tác lúa bền vững cho bà con. “Dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ trên diện tích 500ha, đồng thời, công ty sẽ chịu trách nhiệm kết nối với các doanh nghiệp đối tác thu mua lúa hàng hóa cho bà con. Chủ trương của công ty không làm ồ ạt mà đặt lợi ích của bà con lên trên hết”, ông Nguyễn Huỳnh Phương - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên AMIO - Toàn Cầu khu vực miền Tây, nói.
Theo đồng chí Phan Kim Loan - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hiệp, một trong các giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện là sự liên kết “4 nhà” để gắn kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. “Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tân Hiệp sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục tạo điều kiện, mời gọi doanh nghiệp cung ứng đầu vào với giá hợp lý và bao tiêu lúa hàng hóa, giúp nông dân tiếp cận khoa học - công nghệ, hợp tác với các nhà khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, đồng chí Phan Kim Loan cho biết.
Ảnh: Lúa đông xuân 2017-2018 của gia đình anh Phạm Minh Hoàng, ngụ ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) đang thu hoạch.