Vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang, rất phù hợp cho sản xuất lúa-tôm (1 vụ lúa – 1 vụ tôm). Năng suất tôm khoảng 400kg/ha và năng suất lúa khoảng 4,5 tấn/ha, lãi thuần 50 triệu/ha. Vì thế mô hình sản xuất lúa-tôm của vùng U Minh Thượng phát triển lên đến 120.000 ha. Trước đây, nông dân trong mô hình sản xuất lúa-tôm, chủ yếu thu hoạch lúa cắt bằng tay, nhưng hiện nay, nhân công cắt lúa tìm rất khó, vì người già thì không có sức, người trẻ thì đi làm xa ở Bình Dương, Bình Phước,… Tuy nhiên, diện tích lúa-tôm thường nhỏ, bờ bọng nhiều, chân đất lại yếu, nên không phù hợp cho các loại máy máy gặt đập liên hợp thông thường vào thu hoạch lúa. Vì thế vấn đề đặt ra là cần loại máy cắt lúa nào, loại máy gặt đập liên hợp nào phù hợp cho vùng sản xuất lúa-tôm của vùng này. Ngày 30/01/2019, được sự phối hợp giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam với Phòng Nông nghiệp huyện An Minh và Công ty TNHH Picom Việt Nam cùng Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh phối hợp tổ chức trình diễn máy gặt đập liên hợp mini phù hợp cho vùng sản xuất lúa-tôm của vùng U Minh Thượng.
Hình 1. Máy gặt đập liên hợp mini Puhata (TS. Công Thành và TS. Xuân Niệm – thứ 2 và 3 từ bên trái sang)
Tham dự trình diễn ngoài đồng ở ruộng ông Nguyễn Trường Giang, ấp 10 chợ, xã Đông Hưng và hội thảo trong hội trường Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh, huyện An Minh, có lãnh đạo của ngành Khoa học và Công nghệ (TS. Nguyễn Xuân Niệm, PGĐ Sở); ngành Nông nghiệp (KS. Phù Khí Nguyên, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông); Hội Nông dân tỉnh; cùng Ban Tổ chức và lãnh đạo địa phương, với trên 50 nông dân vùng U Minh Thượng, đặc biệt có chuyên gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ TS. Nguyễn Công Thành (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) cùng hỗ trợ kỹ thuật.
Hình 2. Đại biểu xem trình diễn Máy gặt đập liên hợp mini Puhata
Máy gặt đập liên hợp mini Puhata trọng lượng chỉ nặng 550kg nên rất phù hợp cho việc gặt lúa trên nền đất nuôi lúa-tôm; công suất gặt 3,5ha/ngày, tiêu hao nhiêu liệu chỉ 1,2 lít dầu/giờ. Hều hết các trang thiết bị của máy đều do Việt Nam sản xuất nên dễ tìm để thay thế, sửa chữa. Giá máy 160 triệu đồng, nên nông dân chấp nhận được so với các sản phẩm khác cùng loại. Tuy nhiên, nhiều nông dân nhận xét, máy này cần cải tiến thêm sao cho ra lúa sạch hơn vì còn nhiều lá lúa.
Việc máy gặt đập liên hợp phun rơm trên ruộng, sẽ có ảnh hưởng có vụ tôm sau, vì thế cần có máy thu cuộn rơm, rơm này có thể làm thức ăn hữu cơ cho bò hay trồng nấm rơm hữu cơ; được vậy thì tăng giá trị của chuỗi sản xuất lúa-tôm của vùng U Minh Thượng sẽ tăng cao.
Vì những ưu điểm đó, đại biểu và nông dân người xem trình diễn khá hài lòng, phấn khởi với máy trình diễn này. Máy này sẽ góp phần giúp nông dân yên tâm sản xuất vụ lúa - tôm theo hướng đi bền vững của vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
TS. Xuân Niệm - Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang